Sự biến mất của Alfred Loewenstein là một trong những bí ẩn khó hiểu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Trong giai đoạn những năm 1920, ông được mệnh danh là người giàu thứ ba trên thế giới, là biểu tượng của sự giàu có và dư thừa của Thời đại Vàng son (1870-1900). Tuy nhiên, một năm trước khi sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 dẫn đến cuộc Đại suy thoái, ông đã biến mất, được cho là rơi khỏi máy bay.
Quốc khánh Mỹ năm 1928, Alfred Loewenstein lên máy bay riêng và khởi hành từ sân bay Croydon ở Anh trở về Brussels, Bỉ. Đó là chuyến đi quen thuộc với ông, thực hiện khá thường xuyên.
Bầu trời quang đãng khi Loewenstein đứng dậy sử dụng nhà vệ sinh, nhưng sau đó, theo những gì được ghi nhận lại, ông nhầm lối ra nhà vệ sinh với cửa sau máy bay và mở nó ra, bước hụt chân ra ngoài không trung.
Phi công, thợ máy và 4 hành khách của Loewenstein được cho là không biết chuyện gì đã xảy ra cho đến khi thư ký của ông phát hiện cánh cửa phía sau bị đập tung trong gió. Nhưng đó là tai nạn hay một án mạng? Bí ẩn về những gì thực sự đã xảy ra với Alfred Loewenstein trên chuyến bay định mệnh vẫn chưa được giải đáp.
Sinh ngày 11/3/1877, Alfred Loewenstein xuất thân từ gia đình chủ ngân hàng dòng dõi trâm anh thế phiệt. Với hậu thuẫn từ cha, ông lập tập đoàn tài chính ngân hàng có trụ sở tại Bỉ, Société Internationale d'Énergie Hydro-Électrique, nhắm mục tiêu vào các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.
Bằng cách cung cấp các nhà máy điện cho các nước thuộc thế giới thứ ba, Loewenstein kiếm được rất nhiều tiền. Ông đầu tư vào mặt hàng lụa tổng hợp trước khi chúng tăng giá chóng mặt. Với niềm đam mê hàng không và thực hiện hàng trăm chuyến bay, Loewenstein được mệnh danh là "nhà tài chính bay" của Bỉ.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Loewenstein là một trong những người đàn ông quyền lực nhất châu Âu. Ông từng ra giá 50 triệu USD không tính lãi với chính phủ để tự mình mua tất cả khoản nợ của đất nước.
Đến giữa những năm 1920, danh tiếng của Loewenstein nổi đến mức ông đã được nhiều nguyên thủ hỏi ý kiến và được chính phủ Anh phong tặng Huy chương Hiệp sĩ danh dự cao nhất.
Nhưng ông ta cũng có nhiều kẻ thù. Năm 1926, ông thành lập International Holdings and Investments, công ty huy động được số vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư giàu có. Đến năm 1928, những nhà đầu tư này muốn một số lợi nhuận từ tiền của họ và nhăm nhe giành lại nó từ tay Loewenstein.
Chuyến bay định mệnh từ Mỹ về Brussels của ông khởi hành lúc 18h ngày 4/7/1928, một ngày đẹp trời và rất ít mây. Phi công đảm bảo rằng đó sẽ là chuyến bay suôn sẻ.
Có tổng cộng sáu người trên máy bay, ngoài Alfred Loewenstein. Phi công đứng bên cửa máy bay khi hành khách và phi hành đoàn lên máy bay. Những người khác trong cabin bao gồm người hầu, thư ký và 2 nữ tốc ký.
Hai thợ máy trong buồng khí và chỉ có một cửa sổ kết nối nó với phần còn lại của máy bay. Khi phi công cất cánh, 2 thợ máy không có quyền tiếp cận trực tiếp với cabin. Chiếc Fokker FVII là một máy bay đơn nhỏ, trong vài phút đã lên độ cao 1.200 m.
Ở phía sau cabin có một cánh cửa không có cửa sổ, dẫn vào một nhà vệ sinh nhỏ. Căn phòng này cũng có cửa bên ngoài, được đánh dấu EXIT- Lối ra rõ ràng. Phải mất hai người đàn ông rất khỏe mới mở được nó giữa không trung, do áp suất không khí lớn và cửa rất nặng.
Khi máy bay bay qua eo biển Manche, tỷ phú đi đến khoang vệ sinh ở phía sau. Theo lời khai sau đó của nam người hầu, 10 phút trôi qua và ông chủ vẫn chưa trở lại chỗ ngồi. Anh ta lo lắng và gõ cửa nhà vệ sinh, nhưng không khí hoàn toàn yên ắng.
Lo lắng rằng Loewenstein có thể đã bị ốm, anh ta buộc phải mở cửa. Nhà vệ sinh trống rỗng. Alfred Loewenstein đã biến mất trong không khí.
Máy bay đáng lẽ nên chuyển hướng đến đường băng gần nhất ở St Inglevert, Pháp để báo cho lực lượng tuần duyên về sự biến mất của ông Loewenstein. Thay vào đó, phi công hạ cánh máy bay xuống một bãi biển hoang vắng, được sử dụng để huấn luyện bởi một đơn vị quân đội địa phương.
Ban đầu, khi 6 người họ bị hỏi, họ đều cư xử đặc biệt kỳ lạ, trốn tránh các câu hỏi của quân đội trong nửa giờ cho đến khi cuối cùng thừa nhận rằng họ đã mất Alfred Loewenstein ở một nơi nào đó trên bầu trời. Nhà chức trách không bắt giữ ai và thậm chí còn cho phép máy bay tiếp tục chuyến bay.
Thi thể của Loewenstein cuối cùng đã được tìm thấy gần Boulogne, Pháp, vào ngày 19/7, hơn hai tuần sau khi ông mất tích. Danh tính của ông được xác nhận qua đồng hồ đeo tay đắt tiền làm riêng cho vị tỷ phú.
Khám nghiệm tử thi cho thấy ông bị gãy một phần hộp sọ và một số xương bị gãy. Các nhà khoa học pháp y kết luận rằng ông vẫn còn sống khi rơi xuống nước.
Cái chết của ông được cho là một tai nạn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều giả thuyết cho rằng ông đã bị giết theo lệnh của những người thừa kế hoặc tự sát trước khi đế chế của ông sụp đổ.
"Ngay cả khi giả sử Loewenstein thực sự đã mất vài chục triệu franc, ông ấy cũng chả có lý do gì phải tự tử. Ông ấy luôn có thể kiếm ra gấp trăm lần số tiền đó", bạn bè của ông nghi hoặc.
Bí ẩn về cái chết của ồn vẫn chưa được giải đáp, dù có rất nhiều giả thuyết. Một số người nói rằng Loewenstein lơ đãng đã vô tình mở nhầm cửa và rơi xuống đất tử vong. Điều này khó xảy ra nhất, vì chiếc chuyên cơ này không cho phép mở cửa trong quá trình bay.
Một lời giải thích hợp lý hơn và nham hiểm hơn là Loewenstein đã bị người hầu và nam thư ký ném ra khỏi máy bay, có thể là theo lệnh của vợ Loewenstein, bà Madeleine. Giới thân cận của gia đình tỷ phú đồn đại, bà đã có một mối quan hệ rất lạnh nhạt với chồng mình và điều duy nhất khiến bà chưa bỏ chồng là khối tài sản kếch sù.
Điều đáng ngờ nhất, là sáu người còn lại trên chiếc chuyên cơ, chưa bao giờ bị thẩm vấn hay điều tra.
Một giả thuyết về lý do hiếc chuyên cơ Fokker hạ cánh trên bãi biển hoang vắng, là để sáu người này thay thế một cánh cửa máy bay mới đã được chuẩn bị sẵn trên máy bay. Còn cánh cửa cũ đã bị họ ném cùng vị chủ nhân xấu số trên không trung.
Điều này có vẻ phù hợp với lời chứng của một ngư dân Pháp sống tại khu vực thi thể ông Loewenstein được tìm thấy. Ngư dân này nói rằng đã nhìn thấy một thứ "giống như một chiếc dù" từ trên trời rơi xuống vào thời điểm đó. "Chiếc dù" này, rất có thể là cánh cửa sau của máy bay.
Số phận của vị tỷ phú sống một đời oanh liệt đã kết thúc khá bi thảm, đến mức thi thể được đặt trong một ngôi mộ không được đánh dấu. Ngay cả vợ ông cũng không xuất hiện trong tang lễ.
Đáng buồn hơn, con trai ông Robert sau đó đã bắn chết một trong những người hầu của mình vì những lý do không được công bố. Anh ta cuối cùng chết trong một vụ tai nạn máy bay vào năm 1941.
Hải Thư (Theo All that interesting)