Năm 1898, Marie Curie và chồng, Pierre phát hiện ra hai nguyên tố phóng xạ radium và polonium trong phòng thí nghiệm. Năm 1902, những mẫu radium được nhà khoa học người Mỹ William Hammer thí nghiệm sử dụng trong y học.
Kể từ khi được phát hiện, radium được coi là một nguyên tố tốt cho sức khỏe, không hoặc gây rất ít tác dụng phụ, hiệu quả trong điều trị ung thư. "Mọi người rất thích thú với khả năng chữa bệnh của radium, radium được coi như vitamin ngày nay", Kate Moore, tác giả cuốn "The Radium Girls" (Những cô gái Radium) chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNN Style.
"Radium có mặt trong bất kỳ sản phẩm bổ sung năng lượng nào, ví dụ như thuốc chữa mệt mỏi, liệt dương", theo Timothy Jorgensen, chuyên gia phóng xạ tại Đại học Georgetown.
Ngoài ra, sự phổ biến của radium còn được chứng minh trong một loạt các sản phẩm, từ kem đánh răng, son môi, mỹ phẩm, tới đồ ăn, nước uống. Những loại thuốc bổ được thêm radium được biết đến là "thuốc trị bách bệnh". Radium tại thời điểm đó là nguyên liệu đắt nhất.
May mắn, tất cả những sản phẩm này đều chỉ chứa một lượng rất thấp radium, vô hại tới sức khỏe. Việc thêm radium vào các sản phẩm thuốc có thực sự giúp chữa bệnh hay không vẫn còn đáng ngờ, song điều chắc chắn là khi radium phân rã, tiếp xúc với các nguyên tố khác sẽ tạo phản ứng phát sáng.
Dựa trên nguyên lý này, tiến sĩ Sabin Arnold von Sochocky tạo một loại sơn đặc biệt trộn cùng radium và các nguyên liệu khác, có khả năng tự phát sáng, được cấp bằng sáng chế và đăng ký dưới tên thương hiệu UnDark. Sản phẩm sơn của ông sớm được quân đội Mỹ sử dụng để làm các con số và kim đồng hồ phát sáng trong bóng đêm.
Năm 1917, nước Mỹ tham gia chiến tranh, lực lượng lao động chính chuyển từ đàn ông sang phụ nữ. Các nhà máy thuê công nhân nữ trong địa phương thực hiện công việc sơn đồng hồ với sơn UnDark. Công việc hàng ngày tại nhà máy là quết lớp sơn UnDark chứa radium lên các con số và kim đồng hồ. Đây được coi là công việc hấp dẫn, nhẹ nhàng, lương cao gấp ba những công việc khác. Những nữ công nhân còn được gọi là "nghệ nhân", nhiều người rủ thêm chị em, bạn bè tới nhà máy làm.
Đồng hồ sơn radium chủ yếu được sản xuất tại ba nhà máy thuộc ba công ty khác nhau, thuộc New Jersey, Illinois, Connecticut, trong đó nhà máy của tập đoàn Radium Mỹ (USRC) trụ sở New Jersey tai tiếng nhất về việc bỏ bê sức khỏe công nhân, do đây là nhà máy đầu tiên có công nhân ngộ độc radium.
Khi ấy, radium mới được phát hiện gần 20 năm, hiểu biết về nguyên tố này còn hạn chế. Phần lớn công nhân làm công việc sơn đồng hồ không hay biết hậu quả tiềm ẩn của radium tới sức khỏe. Họ từng hỏi quản lý của mình "liệu loại sơn này có hại sức khỏe không" khi bắt đầu công việc. Người sử dụng lao động, nhân viên cấp cao nhận thức hạn chế về sự độc hại của radium, song vì lợi nhuận, vẫn khẳng định sơn UnDark an toàn. Chỉ có các nhà hóa học - những người hiểu rõ nhất về radium - là sử dụng mặt nạ chì và một số thiết bị bảo vệ khác trong quá trình làm việc.
Hàng ngày, để vết sơn được rõ nét, những nữ công nhân liếm đầu bút lông trước khi sơn. Gần như mỗi lần sơn một chiếc đồng hồ mới, những nữ công nhân lại liếm đầu bút một lần. Hơn thế, vì tin radium có lợi cho sức khỏe, họ dùng radium tô lên môi, sơn vào móng tay, truyền tai nhau mặc những bộ đầm đẹp nhất tới nhà máy để bụi phóng xạ bám vào, khi đi ra đường buổi tối váy sẽ lấp lánh ánh sáng, theo Kate.
Cứ thế, hơn 4.000 nữ công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất đồng hồ tự đầu độc mình mỗi ngày.
Khi đi vào cơ thể người, radium đặc biệt nguy hiểm. "Về mặt hóa học, radium hoạt động giống canxi", Timothy giải thích. "Radium khi đi vào cơ thể sẽ ăn xương, do hay bị nhầm với canxi. Do đó, nếu nuốt phải radium, người bệnh có nguy cơ hoại tử xương, ung thư xương, phát bệnh sớm hay muộn tùy thuộc vào lượng radium trong cơ thể". Ông cho hay việc tiếp xúc và hành động trực tiếp liếm đầu bút nhiễm radium trong nhiều năm của các nữ công nhân có thể khiến họ mắc bệnh chỉ trong vài năm.
Năm 1925, những cái chết đầu tiên do nhiễm độc radium xuất hiện tại các cơ sở của USRC. Năm 1922, nữ công nhân Mollie Maggia, 22 tuổi làm việc tại USRC là người đầu tiên qua đời sau một năm chịu đựng đau đớn. Xác của cô được bác sĩ phát hiện có toàn bộ phần hàm dưới quá giòn, lỗ chỗ thủng vì bị radium ăn mòn. Nhà hóa học chính của công ty, tiến sĩ Edwin E. Leman qua đời năm 1925, tiếp đó là một số công nhân nữ khác.
Các công nhân khác dần xuất hiện các triệu chứng thiếu máu, gãy xương, đau răng, hoại tử hàm. Nhiều người vì lo sợ bắt đầu đi chụp X-quang kiểm tra, nhưng càng khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng bởi bản thân quá trình chụp X-quang cũng tạo ra một lượng phóng xạ nhất định.
Công ty đối thủ của USRC, Radium Dial Corporation trụ sở tại Illinois cũng bắt đầu chịu chung số phận. Cái chết ngày càng nhiều của công nhân các nhà máy sản xuất đồng hồ khiến sự việc trở nên nghiêm trọng.
Trong nỗ lực giảm thiệt hại vụ việc gây ra, các công ty sản xuất đồng hồ cùng nhà thầu quân sự quyết định tiến hành một cuộc kiểm tra giả mạo, chuyên gia y tế tham gia kiểm tra sức khỏe công nhân được yêu cầu không tiết lộ kết quả thật. Nguyên nhân hàng loạt công nhân, nhân viên mắc bệnh được đổ cho một loại virus tình dục để mọi người tin radium an toàn, tiếp tục làm việc.
Cuối năm 1927, đầu 1928, hàng loạt công nhân nữ nhiễm phóng xạ đâm đơn kiện các công ty. Grace Fryer, Edna Hussman, Katherine Schaub và hai chị em Quinta McDonald và Albina Larice là 5 công nhân đại diện làm chứng tại tòa. Họ được mệnh danh là "Radium Girls" (Những cô gái Radium). Cái tên này nhanh chóng được dùng cho tất cả những công nhân nữ làm trong nhà máy sản xuất đồng hồ sơn radium thời đó.
Sự việc nhanh chóng phủ sóng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, được công chúng ủng hộ, dù việc kiện các công ty như USRC, Radium Dial không mấy dễ dàng. Tại thời điểm này, rất nhiều nữ công nhân đã phải nằm liệt giường vì ngộ độc
Tòa án chịu nhiều áp lực từ các công ty, và có thể đã quá muộn với nhiều người bị nhiễm radium, cuối cùng, công lý cũng chiến thắng. Những nạn nhân nhiễm phóng xạ được đền bù, nguyên nhân cái chết của nhiều người được ghi lại trong giấy chứng tử.
Sự hy sinh thầm lặng của "Những cô gái Radium" đã tạo ra luật lao động mới, cung cấp loài người những hiểu biết có cơ sở khoa học về ảnh hưởng của chất phóng xạ. Ngành sản xuất son chứa radium ngừng hoạt động, công nhân làm việc tiếp xúc với radium được trang bị thiết bị bảo vệ đầy đủ. Sơn radium cũng bị cấm sử dụng từ năm 1968.
"Trong những năm 1950, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, rất nhiều nữ công nhân tình nguyện trở thành nhân vật thí nghiệm cho khoa học, do họ là những đối tượng từng tiếp xúc với radium trong một thời gian dài", Kate kể.
Nuốt, tiếp xúc với radium để lại nhiều hậu quả nặng nề, trong đó có nhiều loại ung thư, một số bệnh xuất hiện rất lâu sau khi nhiễm. Với chu kỳ nửa phân rã là 1.600 năm, một khi radium đã ăn vào cơ thể người, nguyên tố này sẽ tồn tại trong đó mãi mãi.
Lê Hằng (Theo Vintage News, CNN Style)