Chiều 5/9/2001, tổng giám đốc công ty Chúng Nguyên có một tài liệu cần xin chữ ký của chủ tịch Hồng Nhược Đàm, nhưng ông Đàm không đi làm, điện thoại cũng không gọi được. Vị Tổng giám đốc đành đến nhà Chủ tịch, một biệt thự hơn 3.000 m2 do ông Đàm tự thiết kế.
Song cổng biệt thự lúc này đóng chặt, bấm chuông cũng không có người trả lời, ngay cả hai con chó săn trông nhà cũng không thấy đâu. Cảm thấy tình hình khác thường, vị tổng giám đốc trèo tường vào.
Trên bàn uống nước có một bức di thư ông Đàm tự tay viết cho em gái, nói vợ chồng ông đã mang theo các con rời khỏi thế giới xấu xí này, ba đứa con đã bị hỏa thiêu, nghiền tro rải xuống biển.
Cảnh sát nhận được tin báo đi tới biệt thự, theo mùi cháy khét tìm đến một chiếc lò thiêu bằng điện trong vườn phía sau nhà bên cạnh một chiếc máy nghiền. Lò thiêu có kích thước lớn, chiều rộng và chiều cao đều là 170 cm, chiều sâu khoảng 240 cm. Trước cửa lò đặt ngay ngắn hai đôi dép một đen một đỏ, mũi dép hướng vào trong lò. Nguồn điện của lò thiêu đang ở trạng thái bật, trên màn hình tinh thể lỏng hiển thị lò thiêu đã kết thúc một chương trình thiêu liên tục hai lần, mỗi lần hai tiếng.
Cửa lò không hoàn toàn đóng khít mà có một khe hở, cố định bởi một sợi dây thép buộc một đầu vào tay nắm cửa, đầu kia buộc vào một chiếc ốc vít chế thêm phía bên trong lò. Cảnh sát mở cửa lò, phát hiện hai thi thể cháy đen đè lên nhau, bên cạnh có hai lọ thủy tinh, một mũi kim tiêm đã sử dụng.
Danh tính hai người được xác định, chính là vợ chồng ông Đàm. Theo kết quả khám nghiệm, trong khí quản của ông Đàm có tro bụi, nói rõ trước khi thi thiêu Đàm còn thở, còn bà Nguyệt thì đã hôn mê, thậm chí đã chết từ trước khi bị thiêu. Một lọ thủy tinh đã vỡ vụn, một lọ khác bị thiêu biến dạng nhưng bên trong còn sót lại một chút dung dịch, được kiểm nghiệm là một loại thuốc mê.
Trong biệt thự, cảnh sát tìm được một đống tro tàn, có thể là có người đã đốt hết ảnh, vì cảnh sát không tìm được bất cứ một bức ảnh nào có mặt bất cứ thành viên nào của gia đình. Tất cả hình ảnh báo chí sử dụng sau đó đều được tìm thấy tại công ty và nhà trường nơi các con họ đang học.
Ông Đàm là người sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị công ty Chúng Nguyên, là người giàu nhất huyện Chương Hóa, Đài Loan. Mười mấy năm trước, vợ cả của ông Đàm qua đời vì tai nạn giao thông, ông tái giá với bà Nguyệt. Không muốn ba đứa con phải tủi thân, họ thỏa thuận sẽ không sinh con.
Bà Nguyệt chủ động phẫu thuật triệt sản, luôn coi các con của chồng như con đẻ. Vì vậy ba đứa con của Đàm đều có thành tích học tập xuất sắc. Con trưởng 24 tuổi vừa thi đậu cao học, con thứ 23 tuổi làm việc tại công ty của cha, con gái 19 tuổi đang học tại học viện quản lí. Không lâu trước cả nhà còn vừa dự lễ tốt nghiệp đại học của con cả, cả gia đình vui vẻ đầm ấm, không ai hiểu tại sao lại xảy ra bi kịch này?
Một tháng trước khi xảy ra vụ án, ông Đàm nói cần đốt dừa và tiêu hủy động vật, đặt mua một chiếc lò thiêu có thể hẹn giờ thiêu và khóa trái cửa từ bên trong, nhưng lò thiêu không có thiết kế đáp ứng yêu cầu thứ hai này nên ông phải dùng một sợi dây thép để cải tạo.
Rõ ràng đây là một vụ tự sát, bởi vì nếu như là bị giết, hung thủ có thể đóng cửa lò từ bên ngoài, tại sao phải dùng dây thép để cố định cửa lò từ bên trong? Hơn nữa hung thủ sẽ cố gắng thiêu hủy hết thảy, không thể đóng cửa lò không chặt khiến thi thể không bị cháy hết được.
Cảnh sát nhận định, đầu tiên, ông Đàm tiêm thuốc mê cho vợ, đặt vào trong lò, sau đó bật tính năng hẹn giờ rồi cũng chui vào lò, kéo dây thép đóng cửa, buộc vào ốc vít cố định lại, tự mình tiêm thuốc mê nằm xuống chờ lò thiêu khởi động.
Trên ga trải giường phòng ngủ, cảnh sát phát hiện hai vết máu rất nhỏ, kết quả xét nghiệm cho thấy là máu của hai đứa con, hình dạng vết máu có vẻ như là vết kim tiêm. Trên chân ga và chân phanh xe của ông Đàm đều có dính nước biển và cát biển. Vì vậy cảnh sát cho rằng, ông Đàm đã thật sự hỏa thiêu các con, rải tro cốt xuống biển.
Nhật kí của người con thứ, viết từ tháng 3/2001 tiết lộ, "bởi vì chuyện của bà nội nên cha muốn chết, mẹ kế cũng có suy nghĩ như vậy. Cha nói nếu chỉ để lại ba đứa con sẽ bị người đời khinh thường, nên hỏi tôi có đồng ý cùng chết hay không, tôi không đồng ý".
Ngày 31/8, cậu con cả nhận được điện thoại của mẹ kế gọi về nhà có việc, sau đó không quay trở lại trường. Vì vậy cảnh sát suy đoán, vợ chồng ông Đàm đã bắt đầu lên kế hoạch tự tử từ sáu tháng trước đó, nhưng không thuyết phục được các con. Đến 31/8, hai người lừa các con về nhà, tiêm thuốc mê, thiêu chết, dùng máy nghiền thành tro rải xuống biển.
Tuy nhiên tất cả đều chỉ là suy đoán, bởi vì ảnh và tư liệu của con cái đều bị huỷ nên cũng có khả năng các con Đàm đã giả chết, ẩn giấu thân phận sống một cuộc sống khác. Sau bảy tháng vẫn không tìm được tung tích các con ông Đàm, cảnh sát mới chính thức họ đã chết.
Làm rõ chi tiết "vì chuyện của bà nội" trong nhật ký của cậu con thứ, cảnh sát tìm hiểu ra, khu biệt thự của Đàm thực ra là đất do tổ tiên để lại, cha ông Đàm đã thế chấp mảnh đất để vay ba triệu Đài tệ làm ăn. Song việc làm ăn thua lỗ không trả được tiền, muốn lấy lại quyền sở hữu chỉ có một cách là trả hết nợ ngân hàng.
Khi đó trong ba anh em, chỉ có ông Đàm tiền nhiều quan hệ rộng, vì vậy đã đứng ra nhận trách nhiệm trả nợ, đương nhiên sau đó cả mảnh đất sẽ thuộc về Đàm. Việc làm ăn của Đàm ngày càng lớn, các anh em của ông Đàm liền phối hợp với mẹ bòn rút tiền của ông. Không chịu được sự khóc lóc van nài của mẹ, ông Đàm không những trả nợ giúp mà còn mua nhà, mua xe, thậm chí tìm việc cho anh trai và em trai mình.
Thấy việc bòn rút không có dấu hiệu dừng lại, ông Đàm bắt đầu phản kháng. Nhưng mẹ và anh em ông Đàm đương nhiên không chịu từ bỏ, bắt đầu công khai nhục mạ Đàm. Hình tượng của ông Đàm trước công chúng cũng lập tức nghịch chuyển, biến thành một đứa con bất hiếu, vô tình với anh em. Danh dự bị tổn hại, việc làm ăn cũng bị ảnh hưởng, nhưng Đàm quyết tâm không thỏa hiệp, vì thế mẹ ông ta cũng ngày càng quá quắt.
Sau khi vợ cả chết vì tai nạn, ông Đàm nhận được một khoản tiền bồi thường hơn 10 triệu, mẹ Đàm liền vu khống Đàm giết vợ lừa tiền bảo hiểm, sau đó còn nói xấu người này trước mặt người kia, chia rẽ quan hệ giữa Đàm với Nguyệt và giữa Nguyệt với con riêng của Đàm.
Ông Đàm chán nản, hơn nữa việc làm ăn của công ty liên tiếp gặp khó khăn khiến Đàm phải chịu áp lực cực lớn. Cảnh sát cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến hành động cực đoan này của Đàm là sự theo đuổi hoàn mỹ một cách cố chấp.
Đa số những người quen đều nói ông Đàm là người có chứng ám ảnh sạch sẽ nghiêm trọng, vì vậy không thể chịu được áp lực dư luận. Ông là người theo chủ nghĩa hoàn mỹ, có lúc khách đến chơi nhà còn chưa về, ông đã bắt đầu quét dọn nhà cửa. Có một lần, một người bạn nói ấm trà cổ ông sưu tầm là đồ giả, ông lập tức đập tan ấm trà tại chỗ. Khoảng cách giữa các cây cảnh trong khu vườn biệt thự là đúng 90 cm không hơn không kém.
Ông khổ tâm bảo vệ hình tượng hoàn mỹ của mình, lại bị mẹ và anh em phá hoại. Nếu là một người khác, có thể sẽ từ từ tìm cách háo giải những áp lực này. Nhưng vì luôn theo đuổi hoàn mỹ, ông đã lựa chọn cách phản kháng thảm thiết nhất.
Ngay cả quá trình tự tử của Đàm cũng lộ rõ các biểu hiện của chủ nghĩa hoàn mỹ. Ngày 3/9, vợ chồng ông rút hơn 20 triệu tiền mặt tại ngân hàng, sau đó ủy quyền, chuyển khoản, hoặc đích thân mang đến trả hết toàn bộ nợ nần cho đối tác và người quen.
9h sáng 4/9, vợ chồng ông đến Đài Trung thăm anh vợ. Buổi chiều, một nhân viên báo cáo Đàm, trong số tiền mang trả đối tác hôm qua có một tờ tiền giả. Không đến 20 phút sau, Đàm đích thân mang một tờ tiền thật đến đối cho đối tác.
Ngày 5/9, vợ chồng Đàm khởi động kế hoạch tự sát, thậm chí trước khi chết, hai đôi dép cũng phải xếp ngay ngắn. Trong di thư, Đàm nói với em gái hãy nghiền tro cốt hai vợ chồng thả xuống biển, không tổ chức tang lễ, không lập bài vị, tất cả trở về tự nhiên.
Khang Diệp (Theo China Times, Black Story, House ET Today)