"Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm mọi tay súng ngoại quốc, những kẻ gia nhập hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và xâm nhập Syria, sẽ chết tại Syria. Nếu chúng xuất hiện ở Raqqa, chúng sẽ bị tiêu diệt ở Raqqa", AP dẫn lời ông Brett McGurk, phái viên Mỹ trong liên minh chống IS, phát biểu hôm 21/10.
Các lực lượng chống IS tại Syria đã nhận chỉ thị ngầm tiêu diệt mọi phiến quân nước ngoài mà họ bắt gặp trên chiến trường, đặc biệt là tại sào huyệt Raqqa. Vẫn còn khoảng 300 tay súng IS cố thủ ở Raqqa, bất chấp việc các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố đã giải phóng thành phố này hôm 20/10. Liên quân đã tiến hành 75 cuộc không kích chỉ trong vòng 48 giờ, trong khi IS tiếp tục sử dụng xe bom để chặn đà tiến quân của đối phương.
Hàng trăm tay súng nước ngoài đã tới Syria để chiến đấu trong hàng ngũ của IS, nhưng tới nay chưa có bất cứ nước nào công khai thể hiện quan ngại về số phận của các công dân này. Một số quan chức thậm chí còn đưa ra những tuyên bố cứng rắn về tương lai của những công dân gia nhập IS. "Nếu những kẻ cực đoan chết trong trận chiến này, tôi cho rằng đó là điều tốt nhất", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát biểu tuần trước.
Liên quân đã cung cấp tên tuổi và hình ảnh những tay súng nước ngoài cho lực lượng đối lập tại Syria. Các phiến quân này đều bị coi là mối đe dọa cũng như là gánh nặng cho hệ thống tư pháp ở quê nhà.
Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn, khẳng định những tay súng IS ngoại quốc tử thủ tại Raqqa sẽ bị tiêu diệt. Một thành viên cấp cao của SDF cho biết họ từng tìm cách trả một số tù binh nước ngoài về quê nhà, nhưng các quốc gia đều không muốn tiếp nhận những kẻ này.
Vào giai đoạn cao điểm, khoảng 27.000 đến 31.000 người nước ngoài đã tới Syria và Iraq để gia nhập hàng ngũ IS, trong đó có gần 6.000 công dân các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức và Anh.
Tử Quỳnh