Thi thể được nhân viên bưu tá đi làm sớm phát hiện vào buổi sáng 18/6/1982 tại cây cầu Blackfriars ở London (Anh), treo bằng sợi dây thừng màu da cam. Người chết mặc âu phục nhưng không đeo thắt lưng. Kim đồng hồ trên tay ông ta dừng ở 1h52'. Trong người có chiếc ví chứa nhiều loại tiền tệ khác nhau, tổng giá trị khoảng 13.000 USD và cuốn hộ chiếu mang tên Gian Roberto Calvini.
Cảnh sát xác định hộ chiếu bị làm giả, người chết tên thật là Roberto Calvi - chủ tịch ngân hàng Banco Ambrosiano, một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Italy khi ấy. Người này một tuần trước đó đã biến mất khỏi Italy, làm cách nào ông ta lại xuất hiện và tử vong dưới cây cầu tại thủ đô Anh?
Tìm hiểu về Roberto, cảnh sát Anh được biết khoảng bốn năm trước, ngân hàng Banco Ambrosiano theo lệnh của Roberto đã chuyển trái phép số tiền tương đương 27 triệu USD ra ngoài Italy. Roberto sau đó bị tòa án Italy tuyên phạt bốn năm tù và gần 20 triệu USD về tội Chuyển tiền trái phép vào năm 1981. Trong lúc Roberto tại ngoại chờ kết quả kháng án, ngân hàng Banco Ambrosiano bị phát hiện mất hơn 1,2 tỷ USD. Roberto sau đó biến mất khỏi căn hộ ở Rome vào ngày 10/6/1982, 8 ngày trước khi xác được phát hiện.
Sau một tháng điều tra, nhà chức trách Anh kết luận Roberto chết vì tự sát. Ông ta trước đó từng tìm tới cái chết khi bị giam giữ chờ xét xử tại Italy. Cùng tháng, ngân hàng Banco Ambrosiano sụp đổ.
Gia đình của Roberto không tin vào kết luận này, yêu cầu mở lại cuộc khám nghiệm. Lần giám định pháp y thứ hai vào tháng 7/1983, nhà chức trách lại không thể đi đến kết luận về nguyên nhân cái chết. Tới năm 1991, gia đình Roberto thuê thám tử tư mở cuộc điều tra riêng. Tử thi và các đồ vật bên cạnh đều được đem ra giám định lần ba.
Thám tử tư thấy rằng ống và túi quần của Roberto bị nhét nhiều viên gạch, nhưng tay của Roberto không bị dính bụi từ chúng, chứng tỏ do người khác để vào. Ngoài ra, cổ của Roberto bị thương nhưng không trùng khớp với tư thế chết treo cổ. Giày của Roberto không bị bám gỉ sét hoặc sơn từ thành cầu.
Hơn nữa, người đàn ông 62 tuổi với sức khỏe không tốt như Roberto sao có thể một mình leo thang xuống dưới cây cầu nơi nhiều người qua lại ở London mà không bị phát hiện, sau đó nhảy bám vào dầm cầu và tự thắt thòng lọng trong khi trên người nhét hơn 5 kg gạch? Nếu đã có ý định tự tử, tại sao Roberto phải tới tận London?
Cuối cùng thám tử tư nhận định nhiều khả năng có kẻ đã siết cổ Roberto rồi dàn dựng vụ tự sát. Mực nước sông Thames sẽ dâng lên khi có thủy triều, vì thế kẻ gian chỉ cần đi thuyền là có thể dễ dàng chạm tới phần thanh dầm của gầm cầu để dàn dựng vụ treo cổ.
Cuộc điều tra của thám tử tư đã chỉ ra nhiều điểm nghi vấn, nhưng phải tới năm 2003, cảnh sát London mới mở lại cuộc điều tra theo hướng án mạng.
Nhiều bằng chứng mới được phát hiện. Trước khi chết, Roberto sống chung với một kẻ bán lẻ ma túy tại căn hộ ở London. Người này bị sát hại ba tháng sau khi Roberto chết, túi quần cũng bị nhét gạch nhưng cảnh sát khi ấy không liên kết hai cái chết với nhau. Tại căn hộ, cảnh sát tìm thấy danh sách thành viên của hội tam điểm phi pháp có tên Propaganda Due (P2). Roberto cũng là thành viên trong hội kín này.
Theo cảnh sát, thành viên hội kín này gọi nhau là "huynh đệ đen" ("black friars"), trùng với tên cây cầu thi thể Roberto được tìm thấy. Viên gạch còn có thể là biểu tượng của hội kín P2, vốn bắt nguồn từ hội thợ nề tự do. Do hội kín P2 hoạt động với mục đích xây dựng chính quyền tả khuynh cực đoan, thành viên nắm nhiều vị trí quyền lực tại Italy, nên nó bị pháp luật Italy cấm triệt để.
Bên cạnh mối liên hệ với hội P2, nhà chức trách phát hiện Roberto còn giao thiệp với xã hội đen mafia. Ngân hàng của Roberto đã giúp cả P2 và mafia rửa lượng tiền khổng lồ, góp phần quan trọng trong hoạt động của hai tổ chức. Từ đây, điều tra viên đặt giả thuyết rằng cả mafia và hội P2 có thể đã hợp tác để trừng phạt Roberto khi để ngân hàng sụp đổ, làm chúng mất tiền.
Giả thuyết của điều tra viên được chứng thực phần nào khi một cựu thành viên mafia ra hợp tác với nhà chức trách vì sợ bị tổ chức giết hại. Kẻ này khai Francesco Di Carlo, vốn là thành viên mafia sống tại London vào thời điểm án mạng xảy ra, đã xuống tay sát hại Roberto theo lệnh của Giuseppe Calò (kẻ phụ trách rửa tiền của mafia) và Licio Gelli (kẻ đứng đầu hội kín P2). Francesco khai đúng là được Giuseppe Calò tiếp cận yêu cầu giết người nhưng bản thân không thực hiện.
Năm 2005, 5 người bị đưa ra xét xử vì cái chết của Roberto gồm Giuseppe Calo, Silvano Vittor (tài xế và cận vệ của Roberto), Ernesto Diotallevi (đưa hộ chiếu giả cho Roberto), Flavio Carboni (thương gia đi cùng Roberto từ Italy tới Anh) và bạn gái của anh ta. Hầu hết các bị cáo đều có liên hệ với mafia và tiếp xúc với Roberto những ngày trước khi ông chết.
Tại tòa, công tố viên lập luận các bị cáo giết hại Roberto để ngăn nạn nhân tiết lộ bí mật của mafia và hội kín với nhà chức trách, từ đó đề nghị mức án chung thân. Để phản bác, phía các luật sư bào chữa đa phần đều nói Roberto rất có thể đã tự sát vì thấy hổ thẹn trong công việc và muốn hủy hoại bản thân.
Ngày 6/6/2007, tròn 25 năm sau cái chết của Roberto, tòa án tuyên trắng án với 5 bị cáo với lý do không đủ bằng chứng kết tội. Chuyên gia pháp lý nhận định tỉ lệ kết tội của công tố viên trong vụ án vốn dĩ rất thấp vì nhiều nhân chứng chủ chốt không muốn làm chứng, mất tích, hoặc đã chết.
Sau phiên tòa, công tố viên cố gắng truy cứu trách nhiệm hình sự với Licio Gelli vì vai trò cầm đầu, tổ chức vụ án mạng nhưng cuối cùng vẫn phải hủy truy tố vào năm 2009.
Tới nay, nhà chức trách chưa khởi tố thêm bất cứ nghi phạm nào về cái chết của Roberto. Án mạng của ông trùm nhà băng quyền lực một thời tại Italy vẫn chưa có lời đáp.
Quốc Đạt (Theo Forbes, Financial Times, Historic Mysteries)