Ngày 10/5, tiến sĩ David Goodall (Australia) sẽ kết thúc cuộc đời ở tuổi 104 dù vẫn còn khỏe mạnh. Không được quê nhà chấp thuận mong muốn, nhà khoa học già phải tới Thụy Sĩ để được chết như mong muốn. "Tôi chẳng muốn đi nhưng cần cơ hội mà chính phủ Australia không cho phép", tiến sĩ Goodall bày tỏ trước chuyến bay.
Trên thực tế, cái chết êm ái vẫn bị cấm ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Là một trong số ít ỏi những nước hợp pháp hóa thủ tục này, Thụy Sĩ không chỉ phục vụ công dân của mình mà còn giúp người từ nơi khác "ra đi với phẩm giá".
Theo luật pháp Thụy Sĩ, bất cứ ai còn tỉnh táo, đầy đủ nhận thức và liên tục bày tỏ nguyện vọng chấm dứt sự sống đều được quyền yêu cầu cái chết êm ái, hay gọi đúng là cái chết tự nguyện có hỗ trợ (assisted voluntary death - AVD).
"Về mặt lý thuyết, nếu một người hoàn toàn khỏe mạnh nói rằng anh ta minh mẫn và quyết định sang thế giới bên kia thì không cần tìm hiểu lý do nữa", Ruedi Habegger, nhà sáng lập một tổ chức trợ tử cho biết. "Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp. Dù xảy ra, các bác sĩ cũng sẽ can thiệp".
Chia sẻ với AFP, ông Habegger tiết lộ mỗi năm, tổ chức của ông làm việc với khoảng 80 khách hàng yêu cầu dịch vụ AVD, chủ yếu là người già, ốm yếu và chịu đau đớn. Tuổi trung bình của họ là 76, người trẻ nhất 32 tuổi còn người già nhất 99 tuổi.
Lựa chọn AVD, khách hàng cần đảm bảo cả về tinh thần lẫn thể chất bởi họ sẽ tự tay thực hiện "bước cuối cùng". Hầu hết tổ chức trợ tử ở Thụy Sĩ đề nghị khách hàng uống sodium pentobarbital, loại thuốc an thần đủ mạnh khiến tim ngừng đập.
Nếu không thích hình thức trên, một số tổ chức đưa ra phương án truyền tĩnh mạch. Chuyên gia y tế chuẩn bị kim tiêm còn khách hàng nhận trách nhiệm mở van để dung dịch thuốc an thần pha nước muối chảy vào cơ thể mình.
Nhằm xác nhận sự tự nguyện của cá nhân yêu cầu AVD, đơn vị trợ tử quay một video trong đó khách hàng nói rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và khẳng định hiểu rõ những gì sắp làm. Camera tiếp tục hoạt động đến lúc khách hàng mở van rồi dừng lại. "Những gì xảy ra kế tiếp vô cùng riêng tư nên cần được bảo mật", Habegger giải thích.
Thông thường, khách hàng rơi vào giấc ngủ sau 20-30 giây. "Họ đi xa dần đến lúc cơ tim hoàn toàn thư giãn. Đây không phải cơn đau tim hay quá trình gì khó chịu. Trái tim chỉ ngừng đập mà thôi", Habegger mô tả. Thời gian từ khi uống, tiêm thuốc đến lúc lìa đời khoảng một phút rưỡi, "ngắn gọn và thanh thản".
Về địa điểm ra đi, công dân Thụy Sĩ chủ yếu chọn nhà riêng còn người nước ngoài như tiến sĩ Goodall sẽ tới cơ sở của tổ chức trợ tử. Tại đó, phòng ốc giản dị nhưng rộng rãi, đảm bảo đủ chỗ cho thân nhân cùng bạn bè nhà khoa học già. Habegger cho biết tiến sĩ Goodall đến Thụy Sĩ cùng bạn và người này sẽ bên ông tới phút giây cuối cùng.
Tiến sĩ David Goodall trở thành chủ đề gây bàn tán khi công khai nguyện vọng muốn chết ở sinh nhật 104 tuổi. Ông không gặp phải bất cứ căn bệnh mạn tính nào nhưng gần như mù và mất tự do trong cuộc sống. Đầu tuần này, tiến sĩ Goodall hạ cánh tại sân bay Basel (Thụy Sĩ). Hôm 8/5, ông gặp gỡ đội ngũ y bác sĩ trợ tử để đánh giá về tinh thần, thể chất. Nếu không có trục trặc gì, tiến sĩ Goodall sẽ ra đi bằng phương pháp uống thuốc độc vào ngày 10/5. |