Bộ xương còn nguyên vẹn của một loài khủng long mới tên Tongtianlong limosus, có nghĩa "rồng sa hố bùn trên đường lên trời" được phát hiện trong lớp đá hình thành từ bùn cứng, theo Seeker. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm qua, các nhà khoa học mô tả con khủng long đã cố vùng vẫy trong tuyệt vọng để thoát khỏi hố bùn với đôi cánh sải rộng và chiếc cổ vươn xa, trước khi trải qua cái chết từ từ và đau đớn.
Nhà nghiên cứu Stephen Brusatte ở Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Edinburgh, Anh và đồng nghiệp cho rằng con khủng long không may chết trong lúc sa hố bùn cách đây khoảng 66 - 72 triệu năm. "Đây là một trong những mẫu hóa thạch đẹp nhất nhưng cũng đáng buồn nhất mà tôi từng gặp", Brusatte nhận xét.
Con khủng long hai chân thuộc họ oviraptorosaur, bao gồm những con khủng long có lông vũ, vóc dáng thấp, mỏ nhọn và không có răng. Một số con có mào ở trên đỉnh đầu, có thể nhằm thu hút bạn tình và uy hiếp đối thủ.
Theo Brusatte, con khủng long có cánh giống chim nhưng không thể bay. "Nếu bạn gặp nó khi còn sống, tôi cá bạn sẽ nghĩ đó là một loài chim kỳ lạ tương đối lớn. Nó có kích thước bằng một con cừu hoặc lừa nhỏ", Brusatte cho biết.
Các công nhân xây dựng ở Cám Châu, Trung Quốc phát hiện hóa thạch Tongtianlong limosus khi dùng thuốc nổ để đào móng xây trường học. Không chỉ hé lộ tư thế chết của con vật, hóa thạch còn giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về hệ sinh thái ngay trước khi thiên thạch va chạm với Trái Đất cách đây 66 triệu năm, giết chết tất cả khủng long không thuộc họ chim.
Tongtianlong limosus là hóa thạch khủng long ăn trứng thứ 6 từ cuối kỷ Phấn Trắng ở Cám Châu. Dù có họ hàng với nhau, mỗi con trong nhóm hóa thạch đều mang vẻ ngoài khác biệt, cho thấy chúng tiến hóa theo nhiều hướng vô cùng phong phú.
Xem thêm: Mô não khủng long nguyên vẹn sau 133 triệu năm
Phương Hoa