Phát động trồng cây là việc nhiều người ở nhiều nơi đã làm, vấn đề là cái cây đầu tiên ông Lý trồng ở Singapore là một cây mempat (cratoxylum formosum). Nước ta cũng có cây này, gọi là cây thành ngạnh. Cây thành ngạnh chịu được điều kiện thổ nhưỡng tồi tệ nhất, sức sống rất mạnh, nhưng gốc có nhiều gai nhọn và gỗ thì dễ mục. Ngoài ra, nhựa và hoa cây này thu hút rất nhiều côn trùng. Nghĩa là về cơ bản, mempat không phải là loại cây phù hợp trồng trong đô thị lâu dài, bất lợi nhiều lẽ, có khi còn bất lợi hơn giống xà cừ ở Hà Nội.
Khi đến vườn quốc gia Chư Mo Ray tỉnh Kon Tum cách đây vài năm, tôi đã chứng kiến lực lượng kiểm lâm vất vả chặt bỏ nhiều hecta một loại cây có hoa rất thơm, vì chúng ảnh hưởng tới môi trường sống của nhiều thực vật quý khác. Đó là loài thành ngạnh hoa đỏ. Còn cây mà ông Lý Quang Diệu trồng là thành ngạnh vàng.
Trồng một cây thành ngạnh, có vẻ lựa chọn đầu tiên về cây đô thị của ông Lý Quang Diệu đã không chuẩn xác. Hay nói đúng hơn là không chuẩn xác với một Singapore như ngày hôm nay. Điều này cũng dễ hiểu. Singapore những năm 1960 chỉ là một miền hoang lầy, nước ngọt còn không có, thì dù có đầu óc quy hoạch xa rộng đến mấy, ông Lý cũng không có nhiều lựa chọn cho cây xanh. Sau này, khi đất nước phát triển, người Singapore không trồng cây thành ngạnh nữa.
Chuyện nhiều thập kỷ trước người ta trồng me ở Sài Gòn, hay xà cừ ở Hà Nội, đều có lý do mang tính lịch sử. Chẳng hạn, khi người Pháp trồng xà cừ ở Hà Nội thì vỉa hè rộng rãi, mật độ xây dựng ít - độ nén đất thấp. Khác xa với bối cảnh đô thị mấy triệu dân chen chúc trong các phố xá chật hẹp như hiện nay. Vậy tội lỗi đổ lên cây, đổ lên người trồng cây đầu tiên, hay đổ lên những người làm quản lý đô thị đương nhiệm?
Tôi lớn lên với một cây xà cừ trên phố Đinh Tiên Hoàng của Hà Nội. Hơn 20 năm trước, những gốc cây ở Thủ đô được khoanh hẳn một khoảnh đất, để rễ nhô lên tự nhiên. Cây xà cừ có bộ rễ nổi rất lớn, nhưng vì được tự do nên không ảnh hưởng tới vỉa hè. Sau này, khi người ta lát gạch, đổ xi măng sát tận gốc cây, thì những bộ rễ vẫn ăn chìm xuống, khiến nhiều đoạn vỉa hè nhấp nhô như sóng lượn. Cuối cùng, cây xà cừ bị chặt, phố Đinh Tiên Hoàng đoạn gần Nhà hát múa rối Thăng Long không còn nổi một cây xà cừ nào, chỉ còn lại giống cây sao thân thẳng và rễ chìm. Chuyện này diễn ra từ lâu rồi, chứ không phải nằm trong dự án đang gây ồn ào của chính quyền Hà Nội. Nói câu chuyện đó để thấy, muốn chung sống với cây xanh cũng cần hiểu đặc tính của từng loài, và tôn trọng đặc tính ấy.
Để có tầm nhìn hàng thế kỷ cho cây xanh ăn nhập với sự phát triển đô thị là vấn đề hóc búa. Có ai dám chắc rằng, 50 năm nữa, những cây vàng tâm (?) ngày hôm nay được trồng mới tại Hà Nội, sẽ không làm vướng những tuyến cao tốc trên không, hay thậm chí là những chiếc xe-máy-bay chẳng hạn? Thế nhưng với những tuyến phố đã tái quy hoạch xong, thì chỉ còn cách chờ đợi đến lúc ấy mới biết câu trả lời.
Một đời cây, một đời người, dài hơn rất nhiều một nhiệm kỳ. Và cái cần giữ, cái cần nhân lên không phải là vài cái cây. Đó là ý thức tôn trọng môi trường sống. Môi trường sống, trước hết là môi trường mà mọi sự sống đều được tôn trọng để cùng sống cho ổn thoả. Nếu xem những cây xà cừ, cây hoa sữa… là lựa chọn sai lầm, thì cũng cần nhìn nhận những “sai lầm” ấy đã tồn tại qua hàng thập kỷ, mang lại cho con người nhiều hơn cả một bầu khí thở.
50 năm trước ông Lý Quang Diệu có thể đã trồng nhầm một loại cây, nhưng 49 năm liền sau đó thì không. Lứa cây mempat năm nào, giờ đã là cổ thụ, và người ta quy hoạch chúng trong những công viên rộng lớn.
Đó là cách cả nước Singapore đồng thuận sửa sai lầm với người lãnh đạo của mình. Đồng thuận, dù để sửa sai từ một cái cây. Và chuyện này thì không nhỏ.
Gia Hiền