From:
To: phapluat@vnexpress.net
Sent: Thursday, July 10, 2003 5:23 AM
Subject: Hệ quả “tất yếu” của hệ thống quản lý.
Đã từ lâu, tham nhũng không chỉ xảy ra ở những trạm kiểm soát cố định hay lưu động của CSGT mà khắp mọi ngành. Hiện tượng ô dù, học tài thi lý lịch, con ông cháu cha đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển những tệ nạn xã hội, trong đó có nạn tham nhũng. Có thể nói, tham nhũng đã trở thành “sân sau” của quyền lực bởi dư luận vẫn cho rằng: có “quyền” tất sinh “lợi”. Lợi ở đây không phải bắt nguồn từ tiền lương hợp pháp mà lợi từ sự tham nhũng. Đó là một trong những lý do khiến cho những ngành “có ăn” như hải quan, CSGT… luôn là điểm “hẹn” để chen chân và giành giật nhau từng ghế bằng nhiều hình thức như quen biết, đưa nhận hối lộ, thậm chí có những trường hợp cá biệt phải bỏ một số tiền lớn vài ngàn đô để “mua ghế”.
Có nhiều người mỉa mai cho rằng, đây cũng là cách “đầu tư” siêu lợi nhuận mà chỉ có những bộ óc mọt dân hại nước mới dám nghĩ ra - đã có biết bao nhiêu người chấp nhận đồng lương thấp ở những cơ quan công quyền rồi sau đó tìm cách “đổi đời” bằng những khoảng tiền bất chính khác mà suy cho cùng là tiền thuế do người dân đóng góp. Thông lệ bất thành văn này đã khiến biết bao sinh viên ra trường không có việc làm chỉ vì không có biên chế và họ phải luôn làm những việc trái hoặc thấp hơn những đòi hỏi chuyên môn của mình. Sự lãng phí chất xám này đã đến mức báo động, ngoài sức chịu đựng của người dân, khiến dư luận không thể không đặt những câu hỏi lớn: Phải chăng, đây là hệ quả “tất yếu” của hệ thống quản lý cồng kềnh và kém hiệu quả?
Trong tham nhũng, mới nhìn vào thì không thấy ai là người bị hại một cách rõ ràng. Người đưa và người nhận đều “được” những quyền lợi nhất định nhưng hậu quả của nó thì toàn xã hội phải gánh chịu, cụ thể là ngân sách nhà nước luôn bị thiếu hụt. Khi ngân sách thiếu hụt thì không thể đầu tư một cách thỏa đáng vào kinh tế, giáo dục, y tế… trong đó có việc trả lương công nhân viên nhà nước.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần phải nhanh chóng cải cách hệ thống tiền lương cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và xem đây như là điều kiện “cần” để ngăn chặn nạn tham nhũng. Bởi vì, Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy tính cạnh tranh thì không có lý do gì chúng ta lại phải duy trì chế độ trả lương của thời bao cấp. Điều quan trọng hơn, đó là cải cách toàn diện hệ thống quản lý nhà nước. Sự cải cách này càng kéo dài bao nhiêu thì những nghịch lý của những vấn đề xã hội càng nảy sinh, mà nạn nhân đầu tiên bao giờ cũng là người dân thấp cổ bé họng, luôn chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn là một bằng chứng sinh động.
Võ Đức Thắng