Từ ngày 3/11, trên mạng xã hội bắt đầu lan truyền hình ảnh quốc kỳ Nga được hạ xuống tại tòa thị chính thành phố Kherson, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền nam Ukraine. Một video cho thấy người dân Kherson đi qua một chốt kiểm soát trong nội thành mà không thấy bóng dáng binh sĩ Nga nào.
Trước đó, Kirill Stremousov, quan chức thân Nga tại tỉnh Kherson, tiết lộ trên truyền hình rằng phần lớn các đơn vị quân sự Nga sẽ rút khỏi bờ tây sông Dnieper. Những dấu hiệu này dường như đều cho thấy Nga đã quyết định từ bỏ thành phố Kherson, mục tiêu đắt giá nhất đối với quân đội Ukraine trong cuộc phản công trên mặt trận miền nam.
Nhưng các động thái của Nga lại khiến giới chức Ukraine và chuyên gia quân sự hoài nghi. Họ không tin rằng Nga dễ dàng từ bỏ Kherson, thành phố mang giá trị biểu tượng rất cao trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Họ nghi ngờ Moskva có thể đang giăng ra một cái bẫy phức tạp, tạo ấn tượng rằng lực lượng Nga rơi vào thế yếu và phải rút lui khỏi Kherson, nhằm lôi kéo quân đội Ukraine nhanh chóng tiến vào tiếp quản thành phố.
Hoài nghi càng tăng lên khi Nga dường như chưa áp dụng thuần thục chiến thuật "giăng bẫy", đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về ý đồ chiến đấu ở Kherson. Trong khi các chỉ huy quân đội Nga phát tín hiệu rằng họ sẽ rút khỏi thành phố, một số quan chức do Moskva bổ nhiệm lại tuyên bố thành phố sẽ trở thành "pháo đài" sẵn sàng nghênh chiến lực lượng Ukraine.
"Các tuyên bố và hành động của Nga khá mâu thuẫn. Họ dường như muốn khiến mọi người tin rằng họ sẽ rời đi, nhưng những gì họ đang làm lại không phù hợp với điều đó", Branislav Slantchev, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, San Diego, Mỹ, nhận xét.
Động thái hạ cờ tại tòa thị chính chỉ là một trong những tín hiệu mà Nga phát đi tại Kherson thời gian qua. Đây là thành phố có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Nga, là cửa ngõ trên đất liền giúp Moskva kết nối chặt chẽ hơn với bán đảo Crimea trên Biển Đen mà Nga sáp nhập vào lãnh thổ năm 2014.
Với Ukraine, Kherson là chìa khóa cho toàn bộ nỗ lực tái chiếm khu vực phía nam. Giành lại Kherson sẽ cho phép Ukraine nhắm đến các tuyến đường tiếp tế quan trọng của lực lượng Nga.
Trong vài tuần qua, chính quyền thân Nga ở Kherson đã sơ tán hàng chục nghìn dân thường khỏi thành phố và các khu vực lân cận, đồng thời thông báo chuyển trụ sở đến vị trí mới, cách tòa thị chính cũ khoảng 80 km về phía đông nam. Truyền thông Nga đưa tin rằng binh sĩ nước này trên đường rút quân đã mang đi những bức tượng đồng của các sĩ quan Nga thế kỷ 18.
Stremousov, quan chức chính quyền Kherson, nói với truyền thông nhà nước hôm 3/11 rằng những người lính Nga "rất có thể" sẽ rời đến bờ đông sông Dnieper, con sông chia cách thành phố Kherson với phần còn lại của tỉnh.
Những thông điệp này dường như nhằm tạo ấn tượng rằng Nga đã từ bỏ thành phố Kherson. Nhưng cùng lúc, khoảng 40.000 quân Nga đã được triển khai ở bờ tây sông Dnieper, nhiều nhất từ trước tới nay, theo các quan chức Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước nói với một tờ báo Italy rằng thông điệp mà Nga phát đi chỉ là một đòn nghi binh. "Những binh sĩ tinh nhuệ nhất của họ đã vào vị trí. Không ai rời đi cả. Chúng tôi có thể phát hiện điều đó và không bao giờ tin họ", ông nói.
"Những động thái chuyển quân hay thông báo rầm rộ của Nga ở Kherson không mang tính chất quyết định. Nó không cho thấy Nga đã từ bỏ hoàn toàn thành phố Kherson", Kateryna Stepanenko, nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở ở Washington, Mỹ, lưu ý.
Stepanenko cho biết nhóm của bà, chuyên theo dõi các diễn biến hàng ngày trong xung đột Ukraine, đã quan sát thấy Nga chuyển một số thiết bị quân sự qua sông. Tuy nhiên, Moskva cũng đang thiết lập các vị trí phòng thủ ở phía tây bắc thành phố.
"Hành động hạ cờ không phải là dấu hiệu cho thấy Nga đang rút quân khỏi thành phố", Stepanenko nói.
Dữ liệu tình báo và ảnh vệ tinh, dường như được phương Tây cung cấp cho Ukraine, cũng cho thấy lực lượng Nga gần đây tăng cường xây dựng công sự và phòng tuyến ở Kherson cũng như thành phố Nova Kakhovka gần đó, nơi nằm cạnh một con đập và trạm thủy điện trên sông Dnieper.
"Việc sơ tán dân thường từ bờ tây sông Dnieper sang bờ đông chỉ là đòn tâm lý", Ihor Romanenko, cựu phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, nói với Al Jazeera. "Trên thực tế, họ đang tăng cường binh lực ở đây".
Ukraine đã đạt được một số bước tiến ở Kherson trong những tuần gần đây, khi họ mở chiến dịch phản công lớn từ tháng 90. Các quan chức Ukraine cho biết họ đã giành lại 100 thị trấn và làng mạc ở ngoại ô Kherson.
Nhưng đà phản công của Ukraine sau đó đột nhiên chững lại, điều được Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov giải thích là do "trời mưa". Nhưng giới chuyên gia cho rằng quân đội Ukraine nhiều khả năng đã phát hiện "chiếc bẫy" mà Nga giăng ra ở Kherson và quyết định không vội vàng tấn công.
Natalia Humeniuk, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh miền Nam Ukraine, cho biết những dấu hiệu "rút quân" đều nằm trong kế hoạch của Nga, nhằm khiến lực lượng Ukraine tin rằng họ có thể tiến lên một cách an toàn, "trong khi quân Nga đã chờ sẵn cho các cuộc giao tranh trên đường phố".
"Rất khó tin rằng đối phương chỉ đơn giản là thu dọn mọi thứ rồi rời khỏi Kherson, thủ phủ duy nhất mà họ kiểm soát kể từ khi phát động chiến dịch quân sự. Nó rất quan trọng đối với Tổng thống Putin, vì vậy chúng tôi đang chờ đợi, họ rõ ràng đang ấp ủ một kế hoạch nào đó", Yevhen Ryschuk, thị trưởng thành phố Oleshky lân cận, cho hay.
Một quân nhân Ukraine đã chiến đấu nhiều tháng ở chiến trường miền nam cũng cho rằng những tín hiệu Nga phát đi trên mặt trận truyền thông quá ầm ĩ, đến mức khiến người nghe nhận ra đó là hành động có tính toán.
"Chúng tôi sẽ không mắc bẫy. Họ quá tập trung vào việc phát đi những tín hiệu nhiễu loạn trên truyền thông nhằm tạo ra tâm trạng chủ quan cho quân đội Ukraine", anh nói.
Stantchev, giáo sư từ Đại học California, cũng cho rằng trong tình cảnh hiện nay, quân đội Nga rất muốn kéo Ukraine vào một trận chiến lớn ở Kherson. Người Nga "có lẽ đang muốn xây dựng một kế hoạch công phu nhằm thuyết phục Ukraine tấn công với niềm tin rằng mọi thứ sẽ rất dễ dàng, nhưng thực tế lại không phải như vậy", ông nói.
"Nếu thất bại trong đợt tấn công đầu tiên vào Kherson, Ukraine sẽ phải điều thêm quân chi viện", giáo sư Stantchev nhận định. "Càng nhiều quân Ukraine tập trung ở Kherson, Nga càng có cơ hội thành công lớn hơn ở những mặt trận khác".
Tuy nhiên, nếu Ukraine không mắc bẫy và tiếp tục kiên trì bao vây Kherson mà không thọc sâu vào thành phố, tình thế của lực lượng Nga ở bờ tây sông Dnieper có thể sẽ rất khó khăn.
"Đến một lúc nào đó, Nga sẽ phải rút quân khỏi thành phố khi nguồn tiếp tế cạn dần, hoặc phải chật vật tìm cách phá vây trong điều kiện khá ngặt nghèo", Stantchev nói.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, Hill)