Ảnh: lanecounty.org. |
Biết được lý do trẻ nói dối ở mỗi độ tuổi sẽ giúp bạn hiểu con hơn và khuyến khích trẻ thật thà hơn. Cách tốt nhất là tạo ra một môi trường yêu thương để trẻ biết rằng có thể nói chuyện với bạn về bất cứ điều gì và bất cứ lúc nào.
3-5 tuổi: Trẻ em trước tuổi đi học chưa hiểu được sự khác biệt giữa việc nói dối và nói thật. Vì vậy, phản ứng bằng cách giận dữ và trách móc sẽ không giúp ích gì. Thay bằng cách hỏi: "Con đổ sữa ra đây phải không?", thì tập trung vào điều xảy ra: "Hừm, sữa đổ rồi", và gợi ý cách giải quyết: "Hãy đi lấy giấy và lau đi thôi". Những câu nói phóng đại như: "Con có thể ăn hết 100 cái bánh rán" cũng chỉ là bằng chứng của trí tưởng tượng phong phú, chứ không phải một đứa trẻ lừa dối. "Đó là điều con ao ước phải không", nhận thức về giấc mơ của con và nhẹ nhàng làm rõ sự khác biệt giữa hiện thực và ảo tưởng.
6-10 tuổi: Là thầy chối cãi, trẻ ở lứa tuổi này nói dối bởi chúng muốn làm bạn vừa lòng, trối bỏ trách nhiệm, và trốn bị phạt. Chúng có thể nói dối để có được cái mình muốn (chẳng hạn như được xem TV) hoặc để chiến thắng bạn bè. Đừng bao giờ gọi trẻ là kẻ nói dối, nhưng cho chúng hiểu rõ rằng bạn không chấp nhận sự thiếu trung thực. Hãy nói: "Con cần phải nói thật với mẹ, mẹ sẽ không giận dữ hay quát mắng con - mẹ sẽ rất tự hào nếu con không nói dối". Cho trẻ biết rằng ai cũng phạm lỗi lầm và bạn vẫn yêu con, cho dù con có làm vỡ chiếc bình hoa của mẹ. Nếu con hay nói dối về những việc xảy ra hằng ngày, như chưa làm bài tập, những việc không làm hại ai hoặc gây nguy hiểm, thì thể hiện một cái nhìn không vừa lòng và bày tỏ sự cứng rắn: "Thôi được. Mẹ sẽ kiểm tra bài vở của con. Chúng ta hãy cùng nhau xem bài tập này".
11-14 tuổi: Lúc này trẻ em rất muốn sự riêng tư, chúng có thể "quên" không cho bạn biết về điều gì đó hoặc bỏ qua một số chi tiết nhất định. Chúng có thể nói rằng ngày mai không có bài tập, nhưng thực tế chúng lại có rất nhiều vào những ngày sau và cả bài kiểm tra. Lúc này, bạn bè và vị thế trong lớp là rất quan trọng, vì thế chúng dễ thêu dệt nên các câu chuyện để gây ấn tượng với bạn bè, chẳng hạn: "Bố mình vừa mua cho mình một chiếc ôtô thật to". Thay vì bóc mẽ con, cho trẻ biết rằng bạn biết là con không trung thực và bạn rất không hài lòng về điều đó. "Mẹ biết là con không nói thật. Con có muốn nói lại không?".
Một giọng nói bình tĩnh, ôn tồn, ít trách móc, chê bai, sẽ giành được sự hợp tác. Khi con thừa nhận sự thật, hãy công nhận và bỏ qua. Đừng bao giờ làm con xấu hổ trước mặt bạn bè. Kỷ luật chỉ có hiệu quả khi nó khiến con cảm thấy được tôn trọng và chấp nhận, chứ không phải khiển trách và xỉ vả. Thường xuyên khen con mỗi khi chúng làm điều gì đúng cũng sẽ giúp bồi đắp sự thành thật.
M.T. (theo MSN)