Độc giả: Hoa Quỳnh
Với khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, việc sàn gỗ tự nhiên sau thời gian dài sử dụng bị co ngót hở mạch hoặc phồng rộp không hiếm gặp. Nguyên nhân là những ngày độ ẩm 80-90%, sàn gỗ sẽ hút ẩm và phồng rộp lên từng mảng. Cũng có thể do gỗ không được tẩm sấy kỹ trước khi sản xuất, vào những ngày hanh khô sẽ bị co ngót do quá trình bốc hơi ra ngoài, dẫn tới hiện tượng hở mạch.
Dù hiện tượng là co ngót hay phồng rộp, đều gây mất thẩm mỹ trong ngôi nhà của bạn.
Theo kiến trúc Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), có một số cách phòng, chống và xử lý hiện tượng co ngót, phồng rộp sàn gỗ.
Với cách phòng chống hiện tượng co ngót sàn gỗ, lưu ý những việc sau:
Khi chọn sàn gỗ tự nhiên, nên chọn những loại gỗ tốt như căm xe, lim, sồi hoặc tre ghép. Nếu có dự định lát gỗ nên liên hệ trước với nhà sản xuất để họ có thời gian tẩm sấy gỗ đảm bảo chất lượng cũng như xử lý mối mọt.
Khi chuyển gỗ về công trình, không lát ngay mà nên tập kết đủ số lượng cần lát từ 3-4 ngày, trước khi thi công. Việc này sẽ làm gỗ thích nghi với môi trường, điều kiện khí hậu tại khu vực bạn đang ở, giúp ổn định về độ co ngót hoặc giãn nở trước khi thi công.
Đối với sàn gỗ công nghiệp, nên chọn những nhãn hàng chất lượng, khả năng chịu ẩm chịu nước tốt, độ dày tối thiểu 8-12 mm.
Trước khi lát sàn, dù là gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp, đều phải trải một lớp lót bạt phía dưới, tránh hấp hơi nước từ dưới sàn lên cốt gỗ. Khi lắp, để gỗ cách mép tường tối thiểu 10-12 mm, tạo không gian giãn nở cho gỗ.
Không nên lát thông các phòng với nhau, mà lát riêng từng phòng bởi nếu diện tích càng rộng thì độ rủi ro càng cao. Nếu lát thông nhau, sau này sàn gỗ có hiện tượng phồng rộp hoặc co ngót, khó có thể xử lý.
Trong quá trình sử dụng sàn gỗ cần lưu ý những việc sau:
Hạn chế mở cửa phòng, cửa sổ trong những ngày thời tiết nồm ẩm.
Tránh đổ nước lên sàn, nếu không may làm đổ nước cần lập tức lau khô.
Bật điều hòa chế độ hút ẩm vào những ngày trời nồm, độ ẩm trong không khí quá cao.
Thông thường sau 1-2 năm, sàn gỗ sẽ có tính co ngót hoặc giãn nở ổn định. Bởi vậy nếu sàn gỗ trong nhà xảy ra hiện tượng bất thường mà vẫn chấp nhận được, nên để sau 1-2 năm mới nên sửa chữa.
Cách khắc phục xử lý sàn gỗ bị co ngót
Nếu sàn bị co ngót ít, tạo ra khe hở nhỏ giữa các thanh ván sàn, bạn có thể dùng khăn ướt trải lên khu vực bị ngót từ 2-3 tiếng. Sau thời gian này, sàn sẽ được cấp ẩm và giãn nở khít lại từ những khe hở nhỏ.
Đối với sàn bị co ngót nhiều và tạo khe hở lớn, bắt buộc phải liên hệ với đơn vị thi công lắp đặt bảo trì bảo dưỡng, để thay thế hoặc dồn lại các tấm gỗ khác.
Đối với sàn gỗ bị phồng rộp, nên kiểm tra lại toàn bộ các khe hở xung quanh tường xem độ thở (không gian cho sự giãn nở) của gỗ còn không. Nếu gỗ đã nở khít chạm tường, bạn nên tách 2-3 tấm ra phơi nắng rồi lắp lại ở những vị trí phồng rộp. Tác dụng của phơi nắng là để gỗ khô, co ngót lại, vì phồng rộp là do gỗ hút ẩm nở ra.
Trang Vy