Theo ghi nhận từ Experian, khoảng 61% người Mỹ có thẻ tín dụng với số dư trung bình là 6.194 USD. Tại Việt Nam, chỉ riêng nửa đầu năm 2021 (tính đến ngày 15/6), Ngân hàng Nhà nước công bố tăng trưởng tín dụng tăng hơn 5% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 2,26%. Thêm vào đó, thanh toán không tiền mặt tăng trưởng thời dịch cũng góp phần thúc đẩy hoạt động dùng thẻ tín dụng chi trả các khoản chi phí, mua sắm hàng hóa, dịch vụ...; từ đó làm gia tăng giá trị của ngành này.
Một chiếc thẻ hoặc khoản vay tín dụng có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, khoản vay có nguy cơ trở thành gánh nặng tài chính nếu vô tình vay phải mức lãi suất cao, thu nhập không ổn định và không có kế hoạch chi trả hợp lý. Nếu muốn giải quyết khoản nợ sớm, nên xem xét lãi suất, phí phát sinh và thu nhập hàng tháng trước khi quyết định hình thức trả nợ phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý từ CNBC về cách xây dựng kế hoạch trả nợ bằng một số hình thức đơn giản cho các khoản vay tín dụng.
Vay gói lãi suất thấp hơn
Một trong những cách giúp sớm thoát khỏi nợ nần mà CNBC gợi ý là hoàn tất khoản nợ có lãi suất cao bằng một khoản vay lãi suất thấp hơn. Các "con nợ" có thể vay tiêu dùng hoặc tín dụng, dùng số tiền này để trả nợ. Lợi ích của cách làm này là cắt giảm kha khá tiền lãi phải chi hàng tháng.
Nếu đang nợ thẻ tín dụng, mức lãi suất có thể rơi vào khoảng 30-35% mỗi tháng. Trong khi gói vay tiêu dùng hiện tại lãi suất dao động từ 15-20%, tùy ngân hàng và đơn vị cho vay. Với cách tính này, bạn có thể cắt được phân nửa tiền lãi, tiết kiệm thêm một khoản phí.
Thêm vào đó, các khoản vay tiêu dùng thường có thời hạn 24-36 tháng tùy số tiền và lựa chọn của người vay. Về cơ bản, với cùng khoản nợ đó, bạn có thể kéo dài thời gian nếu chọn vay tiêu dùng; đồng thời giảm số tiền phải chi hàng tháng xuống mức hợp lý mà thu nhập có thể đáp ứng thoải mái.
Hợp nhất các khoản nợ thành một khoản vay duy nhất
Tương tự cách trên, việc hợp nhất các khoản nợ tín dụng thành một khoản tiêu dùng duy nhất giúp cắt giảm tối đa tiền lãi chi trả hàng tháng. Nếu khoản nợ của bạn chia đều trên nhiều thẻ tín dụng, ngân hàng hoặc công ty tài chính, bạn có thể gộp tất cả lại thành một khoản vay cá nhân duy nhất.
Tùy lịch sử tín dụng tốt hay xấu, người dùng có thể đề nghị một khoản vay đủ lớn để chi trả toàn bộ khoản nhỏ khác. Với cách này, thời hạn trả nợ có thể kéo dài hơn dự kiến, song bạn chỉ cần tập trung trả tiền cho duy nhất một "chủ nợ", giảm rủi ro nợ xấu và dễ theo dõi tình hình chi trả hơn.
Mặt khác, các khoản vay tiêu dùng cá nhân thường có thời hạn chi trả với mức lãi suất cố định. "Con nợ" sẽ không phải lo ngại về việc lãi suất tăng theo thời gian hay đột ngột phải trả thêm phí phạt vì trả muộn. Lãi suất cho các khoản vay cá nhân thường thấp hơn so với nợ thẻ tín dụng của hầu hết ngân hàng hiện tại. Đây cũng là lợi thế giúp bạn sớm tất toán khoản nợ, tránh được nhiều rủi ro không đáng có.
Vay tiền từ gia đình hoặc bạn bè
Trong trường hợp lịch sử tín dụng của bạn không đủ tốt để vay những khoản lớn, đủ chi trả cho toàn bộ khoản nợ nhỏ lẻ, phương án vay tiền từ người thân, bạn bè sẽ là lựa chọn tối ưu.
Chuyên gia tài chính của CNBC cho rằng "con nợ" có thể nhờ một thành viên trong gia đình hoặc bạn thân cho vay với mức lãi suất thấp hay thậm chí không lãi. Tuy nhiên bạn cần đảm bảo rằng đã lên kế hoạch trả nợ rõ ràng và đầy đủ, trước khi tiến hành vay bất kỳ khoản tiền nào. "Con nợ" cũng cần tuân theo kế hoạch đã đề ra, trả nợ đúng hạn dù "chủ nợ" là người thân quen để không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai người.
Trả nợ lãi suất cao trước
Nếu các cách trên đều không phù hợp, bạn có thể thử phương án sắp xếp các khoản nợ theo thứ tự ưu tiên. Đây được gọi là phương pháp trả nợ theo kiểu "tuyết lở", tập trung chi trả khoản có lãi suất cao nhất trước. Cách này có thể giúp "con nợ" giảm thiểu tiền lãi, đồng thời có khoản tiết kiệm nhỏ cho những việc khác về lâu dài. Sau khi khoản vay lãi cao được trả hết, bạn có thể bắt đầu xử lý khoản nợ lãi thấp.
Thanh toán số dư nhỏ nhất trước
Một phương án khác thay thế cho kiểu trả nợ "tuyết lở" là phương pháp "quả cầu tuyết". Bạn có thể tập trung trả hết khoản vay thấp nhất để tạo cho bản thân động lực và tâm lý tự tin hơn trong việc trả nợ. Đây là cách xây dựng nền tảng đi từ thấp đến cao, phù hợp áp dụng cho người có nhiều khoản vay khác nhau với mức lãi suất tương đương nhưng không đủ điều kiện để hợp nhất.
Giả sử một người đang có từ hai khoản nợ trả lên với khoản lớn nhất là 5.000 USD. Một vài khoản khác dao động 1.000-2.000 USD. Với tổng mức nợ là 10.000 USD, nếu bắt đầu trả hết số dư 5.000 USD trước và không đủ điều kiện để tất toán trong một lần duy nhất, bạn sẽ dễ lâm vào tình trạng "không hồi kết" khi lãi suất từ những khoản nhỏ kia cũng tăng lên tương tự.
Với phương pháp "quả cầu tuyết", bạn có thể giảm lãi suất nếu trả trước khoản nợ 1.000 USD. Thay vì phải chịu lãi cho 10.000 USD một lúc, tháng sau bạn chỉ cần trả lãi cho 9.000 USD. Theo đà trả nợ này, áp lực chi phí hàng tháng không chỉ giảm bớt mà bạn cũng có tâm lý thoải mái hơn.
Tuy nhiên các cố vấn tài chính thường không khuyến nghị phương pháp "quả cầu tuyết" vì đôi khi có thể dẫn đến nhiều khoản phí lãi hơn. Theo đó, nếu đủ sức trả hết khoản nợ lớn nhất trong thời gian ngắn, các chuyên gia khuyên vẫn nên chọn phương án ưu tiên tất toán nợ lãi suất cao trước. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là lên kế hoạch rõ ràng, phân chia các khoản chi phí hợp lý dựa trên thu nhập để tránh tình trạng rơi vào nợ xấu, nặng gánh lãi suất.
Thy An (Theo CNBC)