Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) bắt đầu để ý đến sự chênh lệch mức khí thải của một số mẫu xe Volkswagen vào đầu 2014. Điều đáng nói là Mỹ ban hành những luật lệ rất nghiêm khắc về khí thải và những xe lắp động cơ diesel TDI của Volkswagen đều vượt qua mà không gặp trục trặc gì. Nhưng kết quả này khi so sánh với thử nghiệm của Hội đồng tài nguyên không khí California (CARB) lại sai lệch lớn.
Cùng sự giúp đỡ của CAFEE-Trung tâm khí thải, động cơ và nhiên liệu thay thế thuộc đại học Tây Virginia (Mỹ), nguồn gốc của những gian lận dần sáng tỏ. Caranddriver có buổi làm việc với Daniel Carder, quyền giám đốc của trung tâm và giáo sư Arvind Thiruvengadam tại đây để làm rõ cách Volkswagen thực hiện.
Trang bị hệ thống định lượng mức khí thải (PEMS), CAFEE tiến hành thử nghiệm trên đường một số xe Volkswagen lắp động cơ diesel cùng chiếc BMW X5. Trong khi X5 vượt qua bài thử ở mức cho phép thì nồng độ nitơ-oxit NOx trong khí thải của Volkwagen Passat cao hơn tiêu chuẩn 5-20 lần, còn của Jetta cao hơn 15-35 lần.
Theo Thiruvengadam, khi nhóm bắt đầu so sánh dữ liệu, phản ứng đầu tiên của họ là "Có gì đó không đúng", và họ lập tức nghĩ rằng một ai đó đã bỏ quên một số bước trong quy trình đo đạc khiến dữ liệu hỏng. Chỉ sau khi kiếm tra lại đôi ba lần để chắc chắn rằng không có lỗi gì từ người kiểm tra, nhóm mới bắt đầu nghiên cứu tới chiếc xe để tìm lời giải thích.
Nhóm nghiên cứu tỏ ra ngạc nhiên và cho biết phần mềm động cơ là nguyên nhân gây ra vấn đề. Carder chi tiết thêm, khi chiếc xe hoạt động bình thường, mà lượng khí NOx lại tăng tới 15-35 lần so với kết quả trong phòng thí nghiệm, thì rõ rằng vấn đề nằm ở phần mềm.
"Phát triển một phần mềm để tối ưu hóa một số khía cạnh trong chu kỳ hoạt động là một thách thức, nhưng lại rất khả thi", Thiruvengadam cho biết. Phần mềm này gồm một đoạn câu lệnh, sẽ biết được khi nào chuyển sang chế độ chạy kiểm tra của EPA (Cục bảo vệ môi trường Mỹ) để bật đầy đủ các công nghệ kiểm soát khí thải.
Căn cứ để phần mềm này phát hiện xe đang chạy kiểm tra là không có cử động vô-lăng cũng như chế độ kiểm soát độ bám đường (traction control) tắt. Trớ trêu thay, bản thân việc tắt các hệ thống hỗ trợ cũng góp một phần vào tiết kiệm nhiên liệu cũng như tăng công suất động cơ.
Cả Thiruvengadam và Carder đều cho biết, với kiến thức của họ, không có thiết bị bên ngoài sử dụng trong bài thử, mà "dụng cụ triệt tiêu" (defeat device) ở đây chính là phần mềm liên quan. Hai chuyên gia này cho biết đây là loại phần mềm rất tinh vi trong thiết kế và cách hoạt động, đến mức ngay cả những tài xế nhạy cảm, kinh nghiệm nhất cũng không thể phát hiện khi nào nó kích hoạt hoặc hủy kích hoạt.
Với thông tin này, CARB và EPA đã mở cuộc điều tra với Volkswagen vào tháng 5/2014. Đến tháng 12/2014, hãng xe Đức triệu hồi gần 500.000 xe động cơ diesel ở Mỹ để vá phần mềm. Nhưng CARB không dừng lại và tiếp tục thử nghiệm thì nhận thấy nồng độ NOx trên những xe này vẫn ở cấp độ rất cao.
Chỉ tới khi Volkswagen biết được rằng một số mẫu xe phiên bản 2016 được đánh giá tiêu chuẩn khí thải dựa trên mức của những xe trước, thì hãng này mới bắt đầu phản ứng nghiêm túc. Sau nhiều sự vụ, Volkswagen mới đây phải thừa nhận đã cài một thuật toán tinh vi để làm sai kết quả đo lường khí thải của EPA.
Sau bê bối này, Martin Winterkorn, CEO Volkswagen chính thức xin lỗi khách hàng và từ chức, mặc dù phủ nhận liên quan tới việc này. EPA cũng cho biết không tìm thấy bằng chứng cho thấy vị CEO biết tới sự tồn tại của phần mềm này.
EPA cho Volkswagen một năm để khắc phục sự cố, có thể là triệu hồi hoặc bất cứ cách nào để sửa chữa lỗi lầm. Gã khổng lồ Đức có thể bị phạt khoảng 18 tỷ USD.
Đức Huy