Cách vệ sinh cho bé trai: Nếu bé còn dùng bỉm, mẹ nhớ vệ sinh dương vật và bìu cho bé sau mỗi lần thay bỉm. Mẹ không nên chỉ vệ sinh hậu môn và lau khô rồi thay bỉm mới luôn.
Với bé trai chưa cắt bỏ bao quy đầu: Bao quy đầu là lớp da ở đầu dương vật của bé, lớp da này sẽ tuột xuống dần khi bé lớn lên. Với những bé chưa cắt bao quy dầu, mẹ không nên kéo mạnh lớp da này để tránh các vấn đề về sức khỏe cho bé.
Vệ sinh cho bé gái: Để giúp bé giữ vệ sinh sạch sẽ, mẹ phải lau từ trước ra sau hậu môn để tránh mầm bệnh từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo làm bé bị ngứa hay khó chịu.
Xà phòng không mùi: Vì da bé rất nhạy cảm, mẹ nên chọn loại xà phòng không mùi và không cồn để rửa vệ sinh hay tắm cho bé.
Sử dụng dầu gội và dầu tắm: Bé thường thích nghịch nước mỗi khi tắm. Vì thế mẹ hãy căn thời gian cho bé chơi và nhớ chỉ sử dụng xà phòng vào lúc cuối để đảm bảo bé không phải chơi trong nước xà phòng quá lâu, tránh các vấn đề về da và viêm nhiễm sinh dục.
Lau khô: Bé rất thích nghịch nước mọi lúc mọi nơi, tuy nhiên bộ phận sinh dục bị ẩm và ướt do nước sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động và gây bệnh. Vì thế mẹ cần chú ý rửa sạch và lau khô cho bé ngay sau khi bé nghịch nước.
Chất liệu cotton: Bé có thể mặc quần lót bằng vải cotton ngay sau thời gian dừng dùng bỉm. Loại vải này giúp da bé khô thoáng và tránh các bệnh đường sinh dục.
Các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục: Hiếm gặp ở độ tuổi của bé mới biết đi. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bé bị ngứa hay nổi mẩn ở bộ phận sinh dục, mẹ cần chú ý chăm sóc kỹ càng hơn để phòng bệnh.
Khi nào nên đưa bé đi khám: Nếu nhận thấy mùi lạ hay có chất thải/ dịch lạ tại cơ quan sinh dục khi vệ sinh cho bé, mẹ cần đưa bé đi khám để phòng và điều trị bệnh kịp thời.
Khánh Vy (theo boldsky)