Dự kiến trong 20 ngày từ 21/12, TAND Hà Nội sẽ xét xử bà Nhàn cùng cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái và 33 người. Trong đó, bà Nhàn và 7 bị can vẫn đang bỏ trốn.
Theo cáo trạng, bà Nhàn nắm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC từ 2005 đến 2020. Công ty có nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có lĩnh vực trang thiết bị, dụng cụ y tế. Tại AIC, bà Nhàn lập và điều hành mọi hoạt động, Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà (đã bỏ trốn) phụ trách mảng thiết bị y tế, Phó tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga đảm nhiệm các tỉnh phía nam.
Khi vận hành công ty, bà Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên phải thực hiện "quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng". Trong đó có nội dung thông thầu và gian lận trong đấu thầu.
Tại bước thứ 19 về thẩm định giá, AIC quy định "làm việc với đơn vị thẩm định giá để ra kết quả như mong muốn". Bước 26 nêu: "Làm 'quân xanh' cho dự án, chuẩn bị hồ sơ năng lực, xin bảo lãnh dự thầu, làm báo giá cho 'quân xanh'".
VKS cáo buộc, chủ tịch AIC trực tiếp thành lập và điều hành các Ban nội bộ, sau đó giao cho những người thân tín phụ trách để điều chuyển dòng tiền thu lợi bất chính và hợp thức hoá tài liệu chi ngoài sổ sách. Ban này có nhiệm vụ xuất tiền để lãnh đạo AIC "đút lót" lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, chủ đầu tư theo cơ chế do bà Nhàn đặt ra.
Các quy định về thông thầu, chi tiền "đối ngoại" như trên được các ban của AIC vận hành trơn chu trong nhiều năm, tại các dự án. Điển hình là áp dụng vào đấu thầu tại dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, nhà chức trách xác định.
Năm 2003, lúc dự án tại Đồng Nai chưa triển khai, bà Nhàn đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với ông Trần Đình Thành, khi đó đang là Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Bốn năm sau, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn đến nhờ ông Thành, lúc này đã là Bí thư Tỉnh ủy, nhờ mời lãnh đạo ủy ban tỉnh và các sở ngành ăn trưa để "giới thiệu AIC".
Bà Nhàn sau đó dẫn theo cấp phó Thúy Nga đến gặp ông Thành và Chủ tịch tỉnh Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Bồ Ngọc Thu, đề nghị tạo điều kiện cho AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Trước khi Đồng Nai quyết định bổ sung đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào dự án, ông Thành giao Giám đốc Bệnh viện Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện để AIC trúng thầu các gói thiết bị y tế. Lý do, ông Thành đưa ra cho cấp dưới là do AIC có năng lực, uy tín và đặc biệt là "có nhiều mối quan hệ với Trung ương".
Năm 2010, bệnh viện chuẩn bị thực hiện bổ sung vốn đầu tư thiết bị y tế chuyên môn, lúc đó, Đồng Nai có nhiều khó khăn nên ông Thành gọi điện nhờ bà Nhàn giúp đỡ tỉnh xin vốn Trung ương hỗ trợ. Dự án sau đó được tăng 30% tổng mức đầu tư, lên hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo nhà chức trách, dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được Trung ương bố trí vốn trái phiếu Chính phủ và vốn Kho bạc Nhà nước với số tiền lớn, trong đó có bố trí nguồn vốn ngân sách ngoài kế hoạch vượt mức quy định. Tuy nhiên với việc các bộ ngành phân bổ vốn ngân sách Trung ương, Bộ Công an đã tách thành vụ riêng để điều tra, xử lý trong giai đoạn sau, theo cáo trạng.
Cùng lúc các phòng ban chuyên môn của AIC tung các công ty "quân xanh" để thông thầu, móc ngoặc với chủ đầu tư, bà Nhàn bị cáo buộc đi cửa sau "đút lót" quan chức. Từ 2010 đến 2015, chủ tịch AIC đã trực tiếp đưa ông Thành 6 lần, tổng 14,5 tỷ đồng.
Đầu năm 2013, Bệnh viện Đồng Nai được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn để điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế. Bà Nhàn lập tức giới thiệu Công ty Mediconsult với Giám đốc Bệnh viện để chỉ định công ty này tư vấn, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.
Công ty Mediconsult sau đó cùng AIC làm việc với bệnh viện để đề xuất danh mục thiết bị y tế cần bổ sung. Báo giá thiết bị cũng được AIC gửi trước cho Mediconsult để tư vấn cho bệnh viện lập tờ trình đề nghị phê duyệt danh mục thiết bị y tế của dự án.
Khi danh mục thiết bị y tế và kế hoạch đấu thầu được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới xác định lợi nhuận dự kiến để làm cơ sở cho việc phê duyệt dự toán gói. Việc này nhằm đảm bảo mức lợi nhuận mong muốn khi trúng thầu của AIC.
Hơn nữa, để AIC có đủ năng lực dự thầu, bà Nhàn chỉ đạo kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn Kế (đã bỏ trốn) chỉnh sửa các số liệu trong báo cáo tài chính để tăng vốn chủ sở hữu và đưa vào hồ sơ dự thầu. Bà Nhàn bị cáo buộc còn chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ dự thầu cho cả công ty "quân xanh" để nộp dự thầu cho đủ số lượng nhằm loại bỏ các công ty đối thủ chen chân.
Với cách thức như trên, AIC và các công ty do AIC chỉ định đã trúng toàn bộ 16 gói thầu trị giá hơn 665 tỷ đồng. Các sai phạm của AIC bị cáo buộc gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
VKS xác định, bà Nhàn cùng 7 người khác trong vụ án đã bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Bà đã bị Bộ Công an truy nã quốc tế và phát thư kêu gọi ra trình diện hoặc đầu thú nhưng không có kết quả. Trường hợp bà Nhàn không ra đầu thú, nhà chức trách coi đó là từ bỏ quyền bào chữa.
Theo cáo trạng, bà Nhàn bị truy tố về tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Ông Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai) bị truy tố về tội Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
32 bị can còn lại bị truy tố về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.