Làm gương: Nếu bố mẹ cứ nói xấu đồng nghiệp hay người khác trước mặt con sẽ làm cho chúng tưởng đó là điều bình thường và sẽ học tập. Ngay khi học nói, hãy dạy cho trẻ những từ cảm ơn, vui lòng và xin lỗi. Quan trọng nhất là cách cư xử đúng đắn của người lớn trong gia đình sẽ giúp trẻ học tập được khá nhiều.
Canh chừng các chương trình truyền hình: Có vài nhân vật trong các tác phẩm kịch hay phim thường nói những câu thô tục nhằm gây cười. Trẻ có thể bắt chước những nhân vật đó. Do vậy, bạn phải theo dõi những chương trình mà con xem và giải thích cho nó hiểu sự giễu cợt và nói bậy sẽ gây tổn thương cho người khác.
Hãy uốn nắn ngay khi con nói bậy: Bạn hãy nói với con một cách cương quyết và rõ ràng là bạn không chấp nhận thái độ xấc xược. Nhưng đừng làm quá căng và chú ý là lên án sự lố bịch, chứ không phải lên án đứa trẻ. Trẻ cũng có thể nổi giận, nói hỗn láo khi chúng cảm thấy thất vọng và bị lãng quên. Cảm xúc này thường qua mau nếu chúng nhận được sự quan tâm đúng mực của cha mẹ và người thân.
Hãy khiển trách: Lý tưởng nhất là phạt con ngay khi nó có thái độ, lời nói vô lễ. Trước khi phạt, bạn nên cho trẻ chọn lựa. Thí dụ: "Con phải xin lỗi mẹ, nếu không con có thể không được đi xem phim với bạn chiều nay". Bạn đừng nên tỏ ra quá khắt khe, nếu không trẻ sẽ thù dai. Tóm lại, đừng đe dọa bằng những câu như: "Đừng làm như vậy nữa, nếu không con sẽ hối tiếc" hay đánh đòn chúng. Lời lẽ đe dọa chỉ làm cho trẻ thêm bướng bỉnh, lì lợm.
Giữ thái độ trầm tĩnh: Đối đáp, tranh luận với trẻ lúc chúng tỏ ra xấc xược chỉ như lửa đổ thêm dầu. Ngược lại, nếu bạn bỏ qua lúc trẻ tỏ ra hỗn láo cũng không được. Để cho con qua cơn nóng giận, bạn hãy đến với con như một người bạn, sẵn sàng nghe nó tâm sự những khó khăn của mình. Hãy làm cho trẻ hiểu rằng bạn luôn ở bên cạnh con, giúp nó tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống.
(Theo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 22)