Thuật ngữ "sếp trực thăng" bắt nguồn từ định nghĩa nuôi dạy con kiểu trực thăng, trong đó cha mẹ liên tục giám sát con cái, không cho chúng bất kỳ không gian nào để tự đưa ra quyết định.
Thuật ngữ "sếp trực thăng" được dùng để mô tả kiểu người quản lý tham gia quá mức vào công việc của cấp dưới.
Nhà trị liệu tâm lý kiêm giám đốc của tổ chức Head Honchos, Desirée Silverstone (Anh) giải thích đây là những người quản lý vi mô do chú ý đến từng chi tiết và áp dụng phương pháp thực hành để giám sát khối lượng công việc của nhân viên. Các ông chủ trực thăng thường sẽ đưa ra mọi quyết định cho nhân viên của mình.
Một nghiên cứu năm 2020 do tạp chí Harvard Review (Mỹ) thực hiện cho thấy 1/5 số nhân viên cảm thấy khó chịu khi người giám sát liên tục đánh giá công việc của họ.
Tại sao nhiều người lại trở thành "sếp trực thăng"?
Theo Silverstone, lý do các quản lý tự biến mình thành "sếp trực thăng" xuất phát từ chính ý thức cầu toàn của họ. Họ có thể cảm thấy nếu không kiểm soát hoàn toàn các dự án thì kết quả sẽ không đạt được tiêu chuẩn và chất lượng được đề ra.
Ngoài ra, sếp có thể không muốn từ bỏ quyền kiểm soát do sợ rằng người khác sẽ mắc sai lầm và phản ánh không tốt về họ. Điều này còn có thể do sự thiếu tin tưởng cố hữu vào các thành viên trong nhóm được giao nhiệm vụ.
Mặt xấu của cách quản lý vi mô là lấy đi khả năng học hỏi từ những sai lầm và quyết định của nhân viên. Silverstone giải thích, quản lý vi mô không phải là cách làm của một nhà lãnh đạo giỏi bởi nó không khuyến khích nhóm của họ chủ động và phát triển vai trò của mình. Nhà lãnh đạo giỏi là người cố vấn và huấn luyện viên, một người đưa ra hướng dẫn và hỗ trợ, đồng thời cho phép nhân viên phát triển thông qua việc tự tạo động lực và khám phá.
Cách đối phó với "sếp trực thăng"
Đặt ra ranh giới: Cách tốt nhất để đối phó với "sếp trực thăng" là đặt ra ranh giới rõ ràng để những kỳ vọng và vai trò được xác định rõ ràng.
Đối thoại cởi mở: Điều quan trọng là phải đảm bảo có một cuộc đối thoại cởi mở giúp thúc đẩy sự tin tưởng và hiểu biết giữa sếp và bạn.
Yêu cầu sếp tập trung vào sự hợp tác: Giao tiếp nên tập trung vào sự hợp tác hơn là kiểm soát, điều này sẽ cho phép các thành viên trong nhóm có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.
Yêu cầu ưu tiên làm việc độc lập: Điều cần thiết là nhân viên phải có thời gian và không gian cho công việc độc lập để cảm thấy những đóng góp của họ được đánh giá cao.
Thùy Linh (Theo Marie Claire)