"Đừng đổ lỗi cho du khách khiến điểm đến bị quá tải", Randy Durband, CEO Hội đồng Du lịch bền vững Toàn cầu cho biết. Lỗi này thuộc về địa phương vì đã thiếu quản lý.
Theo kinh nghiệm làm trong ngành du lịch lữ hành 40 năm ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á, Randy nhận ra chính quyền khắp nơi trên thế giới luôn nghĩ "không có vai trò trong việc quản lý".
Randy đánh giá cao Trung Quốc - điểm đến được ông ca ngợi là "bậc thầy kiểm soát đám đông và tăng thêm sức chứa du khách". Ông lấy ví dụ về điểm du lịch có tượng Phật khổng lồ ở Lạc Sơn. Mọi người đổ xô đến đây để chiêm bái nhưng chính quyền thành phố lại xây thêm một điểm tham quan khổng lồ bên cạnh tượng Phật, khiến du khách tản ra hai nơi.
Địa phương cũng xây dựng một trung tâm kiểm soát gắn camera khắp nơi để theo dõi du khách tại các điểm tham quan ở khu vực này. Do đó, họ luôn kiểm soát được tình hình, phỏng đoán được nơi nào sẽ bị quá tải du khách để kịp thời phân bổ, điều phối.
Để kiểm soát được tình hình quá tải du lịch, Randy cho rằng nên thay từ "tiếp thị điểm đến" sang "quản lý điểm đến" trong chiến lược phát triển du lịch của các địa phương.
Hiện tại nhiều nơi đã bắt đầu thay đổi và tham gia vào kiểm soát, quản lý điểm đến. Một trong số đó là nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia trên thế giới đang được quản lý rất tốt. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn trong giai đoạn khởi đầu. Randy cho rằng bây giờ chính là thời điểm mà chính phủ các nước trên thế giới cần thức tỉnh đồng loạt và hiểu rõ vấn đề: du lịch là lĩnh vực cần được quản lý.
Chuyên gia du lịch này cho rằng mọi điểm đến nổi tiếng sẽ được hưởng lợi từ việc hút khách du lịch. Điều họ cần làm là lắp đặt công nghệ để theo dõi luồng du khách. Đây là chiến lược đang được nhiều nước áp dụng để giảm thiểu tình trạng quá tải. Thay vì hạn chế khách, cách tiếp cận mới giúp chính quyền kiểm soát lượng khách tập trung quá nhiều tại một nơi, theo mùa hoặc theo những ngày cao điểm.
Walt Disney World, khu phức hợp nghỉ dưỡng và công viên giải trí, áp dụng cách phân luồng du khách trong nhiều năm. Ngôi làng nhỏ Saint Guilhem le Désert của Pháp cũng áp dụng phương pháp này sau khi một người dân địa phương qua đời vì đau tim nhưng không được đưa đi cấp cứu kịp thời do tắc đường. Sau đó, ngôi làng đã đưa ra biện pháp quản lý mới bằng cách người dân được phép lái xe vào làng còn du khách sẽ phải gửi xe ở khu vực được chỉ định bên ngoài mỗi dịp cao điểm như hè, cuối tuần. Sau khi gửi xe, khách có thể bắt xe buýt điện, đi bộ hoặc đi xe đạp vào làng.
Chiến lược này, theo Randy, có thể áp dụng tại nơi quá tải du khách như Barcelona. Nếu chính quyền làm tốt, các cuộc biểu tình phản đối khách sẽ không còn diễn ra như hè năm nay.
Hội đồng thành phố Barcelona cũng cho biết thước đo thành công của ngành du lịch thành phố không dựa vào lượng khách đến mà là cách quản lý dòng khách để không gây quá tải cho người dân.
Randy cho biết quản lý luồng du khách đặc biệt khó khăn tại Barcelona vì không giống các thành phố khác, du khách đến đây thường có xu hướng tập trung ở những khu vực người dân địa phương cũng thích đến. Điều này làm tăng thêm căng thẳng giữa khách và dân.
"Mọi người đều muốn đến cùng một khu vực nhỏ trong phố cổ, vì vậy đòi hỏi một chiến lược phân luồng lớn để thực hiện điều đó", Randy nói.
Tuy nhiên, mọi thứ khó mấy cũng đều có thể làm được. Nhu cầu của 8 tỷ người dân đang sống trên Trái Đất sẽ không giảm. Vì vậy, năng lực quản lý của chính quyền địa phương mỗi nơi cần được nâng cao, cách phân luồng du khách cũng cần được cải thiện đáng kể.
Anh Minh (Theo CNBC)