Thùng trồng
- Thùng nhựa có dung tích 100-200 lít.
- Khoan lỗ thoát nước cách đáy thùng 5 cm.
Đất trồng
- Hỗn hợp đất trồng gồm 60% là đất sạch và 40% tro trấu, xơ dừa, vỏ đậu phộng cho tơi xốp, thêm một ít phân trùn quế, vôi bột, nấm đối kháng tricodema. Trộn đều, tưới đủ ẩm và ủ 7-10 ngày trước khi đem ra trồng.
Lưu ý: Không nên trộn quá nhiều phân bón, đặc biệt là các loại phân hữu cơ chưa hoai mục như phân bò, gà... làm cây bị nóng rễ và ngộ độc.
Cách trồng và chăm sóc
- Trồng cây vào thùng sao cho lớp đất mặt ngang với mặt bầu, cắm cọc tre để cố định phần gốc, tránh bị mưa gió xô đẩy, tưới nước vừa đủ.
- Sau khi quan sát thấy cây ra thêm lá mới thì tiến hành bón phân định kì 10-15 ngày một lần trong suốt quá trình trồng, liều lượng phân bón tùy theo tuổi cây và số lượng cành lá mà cây đang có.
- Thường xuyên tỉa các cành nhỏ và ngắt bớt lá già cũng như quan sát các dấu hiệu của sâu bệnh hại để kịp thời xử lý.
Cây ổi trồng sân thượng có rất ít sâu bệnh, chỉ chủ yếu là rệp sáp và ruồi đục trái. Phòng trừ bằng cách bọc trái và phun dầu Neem khi mật độ sâu rầy cao.
Các loại phân bón: trùn quế, phân viên tổng hợp, phân cá, phân gà, NPK.
Cách cắt cành cho cây ra hoa
Để cây ổi phát triển tự nhiên, tỉ lệ ra hoa rất thấp nên kỹ thuật cắt cành kích thích cây ra hoa theo ý muốn đóng vai trò quan trọng.
Chọn cành để cắt
Chọn những cành bánh tẻ, khoẻ mạnh, đã chuyển màu nâu gỗ khoảng một nửa chiều dài cành. Không nên chọn những cành quá non hoặc quá già vì tỉ lệ ra hoa rất thấp.
Vị trí cắt
Đếm ngược từ điểm xuất phát của cành, đến cặp lá thứ 5-7, chọn điểm cắt ở vị trí thuận lợi và tiến hành cắt. Ở miền Bắc nên tránh cắt cành ngày lạnh, miền Nam cắt thời điểm nào cũng được.
Vết cắt phải sắc ngọt, gọn gàng, không làm dập nát mô cành, chọn vị trí cắt từ phần giữa lóng đổ lên đến sát mắt lá tiếp theo vì vết cắt sau đó sẽ bị khô một phần, cắt quá sát có thể làm ảnh hưởng đến mầm ngủ cần lấy.
Sử dụng các loại phân hữu cơ như: phân gà, phân bò, trùn quế và một ít NPK giàu Kali để giúp cây phục hồi, sớm bật mầm mới và ra hoa.
Vị trí và cách bón phân
Cào một lớp đất mỏng xung quanh tán cây cách vị trí gốc 20-30cm, sâu khoảng 5cm, rải đều số phân đã trộn, lấp đất lại và tưới nước đủ ẩm.
Khoảng 7-10 ngày sau khi cắt cây sẽ bật mầm, cành non mới ra sẽ mang theo hoa ở vị trí cặp lá 4-7, có thể là hoa dạng đơn, đôi và tam hoa.
Sau khi cắt khoảng 25-30 ngày thì hoa sẽ nở, cần thêm 40-45 ngày nữa để quả ổi chín hoàn toàn.
Lưu ý: Ở giai đoạn quả ổi cỡ ngón chân cái, nếu nhận thấy cây khoẻ mạnh và lượng trái còn thấp thì có thể tiếp tục cắt cành ở vị trí bên trên quả 1-2 cặp lá để tiếp tục lấy thêm hoa. Sau đó, người trồng cần tiếp tục bổ sung dinh dưỡng cho cây theo cách trên.
Cách khắc phục rụng hoa và trái non
Có hai nguyên nhân chính gây nên hiện tượng rụng hoa, trái non trên cây ổi Ruby và ổi Nữ hoàng là thiếu dinh dưỡng và dư thừa, rối loạn dinh dưỡng.
Thiếu dinh dưỡng
Biểu hiện của tình trạng cây ốm yếu, còi cọc, lá già và lá vàng nhiều, phát triển kém. Cây ra hoa nhưng không đậu quả, có thể theo dõi kỹ vào ngày hoa nở. Đài hoa không mở ra hết cỡ, các cánh hoa không bung đều, không có mùi thơm hoặc chỉ thơm nhẹ và không thu hút côn trùng (ong) tới thụ phấn, hoa sẽ vàng đi và rụng sau đó 2-3 ngày.
Cách khắc phục: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trước và sau khi cắt cành kích hoa cho đến khi hoa sắp nở.
Dư thừa dinh dưỡng
Biểu hiện cây thừa dinh dưỡng là thân cây mập mạp, cành lá xanh rì, cây phát đọt rất khoẻ, nhìn cực kì sung sức. Hoa nở và đậu quả con, sau đó rụng rải rác hoặc đồng loạt, đặc biệt là sau bón phân vài ngày.
Lý giải:
Quá trình sinh trưởng của các loài cây trồng được chia ra làm hai giai đoạn: Quá trình sinh trưởng "sinh dưỡng" và quá trình sinh trưởng "sinh thực".
Trong cả hai quá trình này, nhịp sống của cây được phân chia ra hai trường phái khác nhau hoàn toàn. Ở quá trình sinh dưỡng, cây sẽ chỉ tập trung phát triển cành lá, mầm, chồi... và cần một lượng đạm rất cao, nhu cầu lân, kali và các nguyên tố khác trong giai đoạn này tương đối thấp.
Nhưng trong quá trình sinh thực (quá trình cây trồng ra hoa và nuôi quả) sẽ ngược lại. Lúc này nhu cầu dinh dưỡng của cây lại nghiêng hẳn về lân và kali, canxi.. những nguyên tố cần thiết để thúc đẩy và hỗ trợ việc ra hoa, đậu quả và nuôi trái.
Bón phân trong giai đoạn này thực sự rất quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cái cây chọn đi theo quá trình nào? Nếu chúng ta bón quá nhiều các loại phân bón có chứa đạm thì cái cây sẽ nhận được tín hiệu: "Hãy tiếp tục nuôi cành lá đi, chưa được phép nuôi trái". Hậu quả là quá trình rụng sinh lý sẽ xảy ra, cái cây đào thải hết lượng trái mà nó đang nuôi dưỡng để tiếp tục ra mầm, chồi, lá..
Ngược lại, nếu chúng ta giảm hay ngưng đạm và tăng lượng kali trong thời gian này sẽ gửi đến cây một tín hiệu khác: "Đã đến lúc có trái rồi!".
Lượng đạm từ đâu đến?
- Nó đến từ nguồn phân bón chúng ta cung cấp cho cây trồng, bao gồm tất cả những loại phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ tổng hợp. Dù chỉ bón phân hữu cơ như trùn quế, phân bò, gà, phân cá, viên tổng hợp... thì nguồn này cũng giàu đạm.
- Nguồn đạm cũng có thể đến tự việc bạn tự ủ phân, ủ rác nhà bếp bón cho cây. Trong các loại rau xanh chúng ta sử dụng hàng ngày, ít nhiều cũng sẽ có chứa và tồn dư một lượng đạm nhất định, lượng đạm đó rất cần thiết cho sức khoẻ của con người, nhưng nếu dư thừas ẽ ngộ độc, phản tác dụng và gây hại cho sức khoẻ.. Màu xanh của lá rau được sinh ra từ đạm, rau màu càng xanh đậm lượng đạm càng cao.
Cách khắc phục:
- Ngưng hoặc hạn chế tất cả các loại phân bón hữu cơ, phân bón NPK, các loại phân có chứa đạm trong, trước và sau khi hoa nở, kể cả sau khi đã đậu trái.
- Chỉ bón lại một lượng nhỏ vừa đủ các loại phân bón này khi quả đã đạt kích thước bằng đầu ngón tay và tăng dần đều trong suốt quá trình phát triển đến khi trái chín hoàn toàn.
- Bổ sung kali và canxi dạng đơn trong giai đoạn phát triển để hỗ trợ cây ra hoa, tăng khả năng đậu quả và hạn chế việc rụng hoa, rụng trái.
Một số nguồn cung cấp giàu kali và canxi:
- Kali : Kali tổng hợp dạng đơn, kali đỏ, kali trắng(Kno3), kali hữu cơ rong biển, kali có từ dịch chuối..
- Canxi : Vôi nông nghiệp, canxi-bo..
Nguyễn Giàu