Tham gia tọa đàm "Shine with Australia" tập ba, Helena Nguyễn - kiểm toán FSO tại Ernst & Young Vietnam, cựu sinh viên Đại học Queensland và Jenna Nguyễn - trợ lý văn phòng Phó hiệu trưởng, Đại học Western Sydney, cựu sinh viên Viện ISB đã chia sẻ một số giải pháp giúp họ vượt qua "bẫy vô hình" có thể gặp phải khi học tại nước ngoài nói chung, Australia nói riêng.
Từ đó, người xem có thể hình dung rõ hơn kỹ năng cần có trong quá trình du học để chuẩn bị sớm, tránh các cú sốc văn hóa không đáng có, đồng thời, lựa chọn thái độ phù hợp để học tập, làm thêm, sinh hoạt cộng đồng hiệu quả, cân bằng.
Đầu tiên, hai cựu sinh viên Australia khuyên các bạn chuẩn bị đi du học nên tìm hiểu trước quy định tại nước sở tại; tham khảo chia sẻ về cuộc sống tại nước ngoài của người đi trước để có cái nhìn sát thực tiễn hơn, từ đó, lường trước rủi ro và có phương án khắc phục kịp thời.
Từ kinh nghiệm bản thân khi thuê nhà, Helena Nguyễn (sinh năm 1999) cho biết cô từng suýt bị lừa mất 600 AUD tiền cọc. Căn nhà cũng khác hoàn toàn so với hình ảnh đăng tải trên mạng. Do đó, bên cạnh tham khảo giá nhà trên các nền tảng trung gian, du học sinh nên tìm hiểu trước luật pháp về thuê nhà ở Australia để tránh bị lừa hoặc đòi lại quyền lợi cho bản thân.
Ngoài ra, trong quá trình thuê nhà, du học sinh có thể tìm tới các trung tâm đại lý hoặc Tổ chức dân cư cư trú (ví dụ như RTA của Queensland) để được hỗ trợ trong quá trình tìm, làm thủ tục thuê và hoàn tiền cọc thông qua cơ quan Chính phủ.
Trong khi đó, Jenna Nguyễn (sinh năm 1995) từng vô tình vướng phải tình huống trớ trêu trong quá trình cố gắng hòa nhập, kết nối bạn bè. Với văn hóa Việt Nam, người dân có thể thoải mái sử dụng đồ có cồn ngoài đường. Tuy nhiên, tại Australia, điều này là phạm luật. Cô cho biết từng nhận lời mời "nhậu" ở công viên cùng nhóm bạn và đã nơm nớp lo sợ khi biết hành động này có thể khiến mình bị phạt.
"Tôi cảm thấy Australia là một cộng đồng, xã hội theo pháp luật rất chặt chẽ, có phạt có thưởng rất công minh nên phải tìm hiểu rất kỹ các luật lệ, kể cả đi đường", nữ sinh nhấn mạnh.

Jenna Nguyễn - trợ lý văn phòng Phó hiệu trưởng, Đại học Western Sydney, cựu sinh viên Viện ISB Ảnh: Nhân vật cung cấp
Các diễn giả lưu ý các bạn trẻ khi tới một đất nước khác có thể gặp bất đồng ngôn ngữ. Ngay cả khi học tiếng Anh rất lâu tại Việt Nam, Helena và Jenna vẫn gặp rào cản bởi chưa quen phương ngữ hoặc không hiểu từ lóng. Ví dụ như từ "afternoon" (buổi chiều), người Australia nói là "arvo", "barbeque" thành "barbie" hay "definitely" (chắc chắn) chuyển thành "defo".
"Việc sử dụng từ lóng hay những từ rút gọn như thế là một điểm rất mới, chỉ khi mình tham gia sinh hoạt nhiều nhóm được giao tiếp nhiều hơn mới thực sự biết", người dẫn dắt tọa đàm - Lê Nguyễn Trà My - Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại bang Victoria, sinh viên Đại học Monash (sinh năm 2001) nói.

Nguyễn Trà My - Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại bang Victoria, sinh viên Đại học Monash. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Để khắc phục trở ngại này, du học sinh cần chủ động hòa nhập, kết nối bạn bè nhiều hơn, từ đó, tự tin giao tiếp, học cách người bản xứ nói chuyện sao cho tự nhiên. Jenna cho biết, cô đã đăng ký các hội nhóm liên quan tới tiếng Anh ở trường như English Group, English Conversation Group... Bên cạnh đó, cô còn tham gia các câu lạc bộ liên quan đến văn hóa Hàn Quốc để vừa chia sẻ đam mê, vừa tăng kết nối cộng đồng.
Tương tự, câu lạc bộ "Street Group" cũng giúp Helena Nguyễn có thêm ba người bạn ngoại quốc. Đây là một bước tiến lớn trong hành trình bước ra khỏi vùng an toàn của cô gái trẻ. Trước đó, khi mới tới Australia, Helena mất khoảng ba tháng rụt rè, thường xuyên ở nhà bởi nhớ gia đình.
Việc chủ động kết nối cộng đồng cũng giúp du học sinh trau dồi kỹ năng mềm. Hai diễn giả nhận định, thay vì chỉ chăm chú học kiến thức học thuật như thói quen ở Việt Nam, kỹ năng mềm là yếu tố rất quan trọng khi học đại học và làm việc.
"Nhà tuyển dụng sẽ muốn một người giao tiếp giỏi, diễn đạt được suy nghĩ của mình; làm việc nhóm, thuyết trình tốt. Mình thấy đó là kỹ năng không quá khó, các bạn có thể trau dồi khi mà các bạn đang làm sinh viên", cựu sinh viên Đại học Queensland nói thêm.
Theo Jenna Nguyễn, bên cạnh việc học, cô thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện... để tạo nên sự khác biệt hơn trong CV ứng tuyển việc làm sau này. Năm đầu tiên, cô không đi làm và dành toàn bộ thời gian ngoài giờ học cho việc này. "Nhờ những hoạt động tình nguyện đó, mình mới gặp được nhiều nhân viên của trường và tạo được mối quan hệ thân thiết với họ", trợ lý văn phòng Phó hiệu trưởng, Đại học Western Sydney chia sẻ.
Tuy nhiên, cuộc sống cần có sự cân bằng giữa học tập và hoạt động ngoại khóa hay công việc. Nữ diễn giả cho biết, các bạn trẻ cần học cách nói "không". Thời điểm mới tới Australia, do quá ưu tiên nhu cầu hòa nhập, Jenna không từ chối bất kỳ lời mời nào. Dần dần, cô nhận thấy bản thân quá tải do không quyết định dựa trên nhu cầu cá nhân.
"Mình cần biết cái gì quan trọng trong khoảng thời gian này và ưu tiên làm việc đó trước", cô nhấn mạnh.
Helena cũng áp dụng cách này khi đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ ngoại khóa, công việc song song việc học. Cô lập danh sách việc cần làm và sắp xếp để mỗi khoảng thời gian chỉ tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất. Đồng thời, mỗi ngày, nữ sinh sinh năm 1999 đều đi tập thể dục để giảm căng thẳng về cả thể xác và tinh thần.

Helena Nguyễn - kiểm toán FSO tại Ernst & Young Vietnam, cựu sinh viên Đại học Queensland (bên phải) tại sự kiện kết nối cộng đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Cơ thể con người có thể làm việc nhưng cũng cần nghỉ ngơi. Đôi khi hãy cho bản thân mình một khoảng thời gian để thả lỏng bản thân, tinh thần. Như vậy, hiệu suất học tập, làm việc sẽ hiệu quả hơn", cô nói thêm.
Cuối chương trình, hai nữ diễn giả còn lưu ý các bạn trẻ về quá trình làm bài luận, trích nguồn và một số phương pháp tích lũy kỹ năng khi đi làm.
Nhật Lệ
Sự kiện quy tụ hơn 20 diễn giả là các chuyên gia giáo dục hàng đầu, đại diện bang và vùng lãnh thổ của Australia cũng như nhiều du học sinh Việt du học thành công.
Chuỗi tọa đàm cũng giới thiệu Global Pathways, mô hình du học chuyển tiếp và nhận bằng từ các đại học Top 1% thế giới của Australia như Đại học Macquarie, Monash, Western Sydney, Wollongong, Griffith, South Australia,... cùng nhiều học bổng giá trị.
Độc giả đăng ký tham gia tại đây.