Nguyên-Kan, tiến sĩ ngôn ngữ, bà mẹ 3 con đang sinh sống tại Pháp, chia sẻ về bữa ăn ở trường học Pháp.
Nước Pháp rất coi trọng vấn đề dinh dưỡng, chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng. Khẩu hiệu "Vì sức khỏe của bạn, không ăn thức ăn quá béo, quá ngọt và quá mặn! Không ăn vặt giữa buổi!" của bộ Y tế được tuyên truyền khắp mọi nơi. Bữa ăn ở trường học các cấp cũng dựa theo tiêu chí này, đảm bảo đủ chất mà các cháu lại không bị béo phì.
Đối với các cháu nhỏ dưới 3 tuổi còn đi nhà trẻ, ngay trước khi nhập học, các cô giữ trẻ sẽ có buổi nói chuyện kéo dài khoảng một tiếng với phụ huynh để nắm được thói quen ăn uống, nhất là đối với trẻ còn nhỏ và chưa ăn dặm. Các cô ghi chép cụ thể giờ ăn, số lượng sữa, thói quen uống sữa (uống bình hay uống cốc, uống sữa lạnh, ấm hay nóng, có kèm bột cacao, ngũ cốc hay không).
Đối với cháu bắt đầu ăn dặm, các cô ghi lại xem cháu ăn đồ xay nhuyễn hay ăn đồ thô, đã biết tự ăn chưa (ăn bốc, ăn bằng thìa) hay cần đút, thích và không thích gì, có bị dị ứng với món ăn nào không. Để an toàn, nếu món nào các cháu chưa từng ăn ở nhà các cô sẽ không cho ăn ở lớp.
Từ 1 tuổi trở đi, bữa ăn ở trường giảm xuống chỉ còn 2 bữa, là bữa trưa và bữa xế vào lúc 16h. Dù các cháu có háu ăn thế nào đi chăng nữa thì bố mẹ cũng phải tuân thủ và chấp nhận với lịch ăn này. Thực đơn hàng ngày được cô dán ở cửa lớp, cuối buổi cô sẽ báo cáo lại với bố mẹ là ngày hôm đó cháu đã ăn những gì, ăn nhiều hay ít.
Kể từ mẫu giáo (bắt đầu từ 3 tuổi), bữa ăn ở trường rút lại chỉ còn một bữa trưa. Nhà trường nhận trẻ từ 8h30 và trả lúc 16h30, không có bữa sáng hay bữa giữa buổi. Tới giờ ăn, các cháu sẽ được cô nuôi đưa tới căng-tin. Mỗi bữa ăn gồm đủ 3 món: khai vị, món chính và tráng miệng.
Khai vị thường là các món salad, đôi khi có kèm phomai hoặc bơ, hoặc các loại lúa mì. Món chính bao gồm thịt (gà, bò, lợn, bê) hoặc cá, rau củ và tinh bột. Sau khi ăn món chính các cháu sẽ ăn bánh mì và phomai, đây là truyền thống bữa ăn ở Pháp. Cuối cùng là tráng miệng, thường là hoa quả, bánh ngọt hoặc một sản phẩm từ sữa. Mô hình bữa ăn này cũng được duy trì tới hết cấp 1.
Điều đặc biệt, các bữa ăn ở trường mẫu giáo và tiểu học là do chính quyền thành phố quản lý, từ đầu vào cho tới đầu ra. Các nguyên liệu chế biến bữa ăn phải đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm, độ tươi sống (không dùng đồ đông lạnh) và nguồn gốc. Rau, củ, quả và sữa được thu mua tại địa phương, còn thịt và cá ghi rõ là "đánh bắt tại biển ở Pháp" (đối với cá) hoặc "được sinh ra và lớn lên ở Pháp" (đối với thịt). Trong các siêu thị của Pháp, nguồn gốc của các loại thực phẩm cũng luôn được ghi rõ ràng như vậy. Trong tuần, thành phố cũng cố gắng cung cấp ít nhất một bữa ăn là thực phẩm hữu cơ cho các cháu.
Thực đơn các bữa ăn trong tuần luôn được dán trước cửa lớp, hoặc ở trên trang web của Ủy ban thành phố để bố mẹ có thể theo dõi. Những cháu nào bị dị ứng với món ăn đặc biệt thì khi có món đó sẽ được thay thế bằng món khác; hoặc bố mẹ tự chuẩn bị đồ ăn cho con mang từ nhà đi. Các cháu theo đạo Hồi hoặc ăn chay cũng sẽ có chế độ ăn riêng phù hợp.
Đối với trẻ mẫu giáo, bữa ăn sẽ được phục vụ tận bàn. Nhưng từ lớp 1 trở đi, học sinh sẽ phải tự lấy khay rồi lấy thức ăn cho mình. Mỗi em đều lấy đủ phần của mình như trong thực đơn. Nếu không ăn hết, cũng phải giơ tay xin phép với các cô đầu bếp. Sau khi ăn, học sinh tự mang khay cất đồ vào đúng vị trí, phân loại bát, đĩa, thìa và khay rõ ràng.
Lên tới cấp 2, học sinh có nhiều lựa chọn hơn. Khai vị, món chính và tráng miệng, luôn có 2-3 lựa chọn. Ví dụ, món chính là gà rôti, các cháu có thể lựa chọn ăn kèm với rau, mì hoặc khoai tây. Trong bữa ăn luôn đảm bảo có ít nhất một sản phẩm sữa. Và các cháu chỉ ăn đúng suất của mình, không được lấy nhiều hơn, vì nước Pháp không sợ học sinh đói, chỉ sợ bị béo phì.
Ở Pháp, bữa ăn của học sinh không có đồ ăn nhanh, không có nước uống hoa quả và nước có gas. Một năm có thể có 1-2 lần các cháu được thưởng thức bữa ăn vui vẻ vào đầu năm học, hoặc trước khi nghỉ lễ Noel, hoặc trước khi nghỉ hè. Bữa ăn đó có thể có pizza của Italy, hamburger và khoai tây chiên cùng coca kiểu Mỹ, hoặc có món kem cho suất tráng miệng. Cũng có đôi khi thành phố giới thiệu các món ăn của nước khác, có lần trong thực đơn có cả món nem, nhưng chắc chắn đầu bếp Pháp làm thì không được ngon và đúng vị.
Một bữa ăn ở trường học giá gần 9 euro (khoảng 225.000 đồng), tuy nhiên phụ huynh chỉ phải trả dựa trên thu nhập của mình, chia làm 8 mức. Có nghĩa người thu nhập cao thì trả 100%, người thu nhập thấp chỉ trả một phần, còn lại nhà nước lo. Mọi thanh toán không thực hiện trực tiếp với nhà trường mà với kho bạc của thành phố, phụ huynh có thể thanh toán trực tiếp trên mạng, hoặc gửi cheque tới kho bạc. Bữa nào con nghỉ học có xin phép, bữa ăn đó sẽ không bị tính phí.
Ở các trường học tại Pháp, kể từ nhà trẻ, không có cô giáo nào chấp nhận việc "ép" trẻ ăn. Cho nên, khi cho các con đi học, chỉ lo con không chịu ăn, chứ một khi đã ăn hết suất thì không bao giờ bố mẹ phải lo con đói. Về nguồn gốc và mức độ an toàn thực phẩm lại càng không phải lo lắng. Nếu có bất kỳ sự cố gì không hay xảy ra, Ủy ban nhân dân thành phố và nhà trường sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật.
Nguyên-Kan