Tôi dự định mua 30% cổ phần của một công ty mới thành lập, kỳ vọng lợi nhuận của công ty là 3 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên tôi chưa rõ cách tính lợi nhuận mà bản thân sẽ nhận được dựa trên lãi hàng năm của công ty. Tôi đã tham khảo nhiều cách tính cổ tức nhưng vẫn chưa xác định được mối liên quan giữa tỷ lệ chi trả cổ tức, tỷ lệ sở hữu vốn và lợi nhuận công ty. Mong chuyên gia giải đáp.
Ptquynh295
Chuyên gia tư vấn:
Các thông tin bạn cung cấp chưa đủ để hiểu biết về công ty này hay thương vụ bạn đang dự tính đầu tư. Dẫu vậy, việc đầu tư vào công ty chưa niêm yết được gọi là thị trường vốn cổ phần tư nhân (private equity), được xem là lớp tài sản có độ rủi ro cao và thường dành cho các quỹ hay các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc đầu tư này đòi hỏi sự am hiểu tài chính, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và một số pháp lý liên quan.
Trong giới hạn của câu hỏi này, tôi đưa ra các ý kiến tư vấn về các vấn đề chi trả cổ tức, tỷ lệ sở hữu, lợi nhuận của công ty. Đầu tiên, bạn cần đọc kỹ điều lệ của doanh nghiệp đó để hiểu rõ quyền và lợi ích của cổ đông. Đặc biệt với 30% sở hữu, quyền của bạn đến đâu và ai là người có quyền quyết các chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận của công ty. Việc này cực kỳ quan trọng vì bạn đang quan tâm đến vấn đề cổ tức.
Về tỷ lệ sở hữu vốn, đối với một công ty mới thành lập, bạn cần xác lập được quyền sở hữu này thông qua việc góp vốn (giấy chứng nhận góp vốn, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần) trong đó ghi rõ số cổ phần bạn nắm giữ. Bạn có thể xác nhận tỷ lệ sở hữu bằng chính giấy chứng nhận cổ phần (nếu có ghi tỷ lệ) và đối chiếu với mục vốn điều lệ của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Lưu ý, bạn phải được cung cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gần nhất.
Về lợi nhuận, công ty hoạt động sẽ có lãi hoặc lỗ qua các năm và phần lãi, lỗ này sẽ được cộng dồn khi chưa được phân phối. Ví dụ, một công ty hoạt động được 5 năm với các mức lãi và lỗ sau thuế lần lượt qua các năm là -5 tỷ, -2 tỷ, 0 tỷ, 3 tỷ và 7 tỷ đồng. Tính đến cuối năm thứ 5, lợi nhuận cộng dồn là 3 tỷ đồng (chưa phân phối). Ở các năm lỗ, đương nhiên công ty không được phân phối lợi nhuận mà chỉ được phân phối khi lợi nhuận tích lũy đã dương trở lại và phân phối tối đa trên phần dương ấy.
Về phân phối lợi nhuận, bạn lưu ý tôi dùng từ "phân phối lợi nhuận", không phải từ "chia cổ tức" như câu hỏi. Lý do là lợi nhuận gồm phần đem chia và phần không chia, trong khi cổ tức chỉ là một trong những phần lợi nhuận được phân phối và dựa trên số cổ phần bạn nắm giữ. Do đó, tôi sẽ làm rõ về thẩm quyền phân phối lợi nhuận, các bên sẽ hưởng lợi từ phân phối này và liên hệ với cổ tức.
Thứ nhất, thông thường việc phân phối lợi nhuận đã tích lũy (như phân tích ở trên) do đại hội đồng cổ đông quyết định. Ví dụ bạn giữ 30% cổ phần biểu quyết nhưng 70% còn lại không chấp nhận, lợi nhuận sẽ không được phân phối.
Thứ hai, lợi nhuận tích lũy này chưa chắc sẽ được phân phối toàn bộ cho cổ đông (một phần thuộc về bạn). Việc phân phối cho ai hay cho mục đích gì tương tự cũng được đại hội đồng cổ đông quyết định. Ở nhiều doanh nghiệp, lợi nhuận này có thể được dùng một phần phân phối vào quỹ phúc lợi cho nhân viên (không thuộc cổ đông mà người hưởng là nhân viên công ty), một phần thưởng cho lãnh đạo doanh nghiệp (dưới dạng tiền thưởng, cổ phiếu thưởng) và các khoản phân phối không thuộc cổ đông khác (nếu có), phần còn lại sẽ thuộc cổ đông công ty.
Thứ ba, phần thuộc cổ đông công ty (phần thuộc về bạn theo tỷ lệ sở hữu) vẫn chưa hẳn là tiền mặt. Nếu bạn sở hữu 30% cổ phần thông thường, phần lợi ích tương ứng bạn nhận được sẽ là 30% trên tổng lợi ích phân phối cho cổ đông. Tương tự, quyết định vẫn thuộc về đại hội đồng cổ đông. Nếu quyết định phân phối toàn bộ dưới dạng tiền mặt, bạn sẽ nhận được 30% số lợi nhuận phân phối này dưới dạng tiền (trước thuế). Nếu dùng cho các quỹ đầu tư phát triển, phân phối dạng trả cổ tức dưới dạng cổ phiếu, bạn sẽ không nhận được tiền mà thay vào đó xem như tiếp tục góp phần vốn này vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trở lại ví dụ trên, nếu bạn sở hữu 30% cổ phần của một doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng (xem như lợi nhuận các năm trước đã phân phối hết và không có lỗ lũy kế), không có các loại cổ phần khác như cổ phần ưu đãi. Giả sử, đại hội đồng cổ đông quyết định trích 10% cho quỹ phúc lợi nhân viên, 5% thưởng cho ban điều hành, còn lại chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu.
Khi đó, lợi nhuận thực thuộc về cổ đông là 3 tỷ - (10% x 3 tỷ) - (5% x 3 tỷ) = 2,55 tỷ đồng. Sau đó, chia 2,55 tỷ đồng này cho cổ đông dưới dạng tiền mặt. Với việc sở hữu 30%, bạn sẽ nhận 2,55 tỷ x 30% = 765 triệu đồng (trước thuế thu nhập cá nhân - thuế quy định hiện hành là 5%).
Huỳnh Hoàng Phương
Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT