Cầu thang là lối giao thông giữa các tầng. Để việc di chuyển lên xuống được thuận tiện, cần lưu ý chọn kích thước phù hợp, bạn có thể tham khảo các gợi ý dưới đây:
Chiều cao bậc thang
Chiều cao của bậc cầu thang tương ứng với chiều cao trung bình một bước chân của người trưởng thành, khoảng 17,5 cm. Thực tế con số này sẽ dao động 15-18 cm.
Chiều sâu của bậc thang tương ứng chiều dài trung bình bàn chân của người trưởng thành là 26 cm. Tùy trường hợp cụ thể sẽ dao động 25-30 cm.
Chiều rộng mặt bậc
Chiều rộng tối thiểu của bậc thang cần bằng gấp rưỡi bề ngang vai của người trưởng thành, thường dao động từ 0,8-1,2 m. Điều này đảm bảo đồng thời 2 người có thể lưu thông cùng lúc: một người di chuyển, người còn lại đi nghiêng để tránh.
Kích thước của chiếu nghỉ thường lớn hơn hoặc bằng chiều rộng của bậc thang. Sau 15 bậc liên tiếp nên bố trí một chiếu nghỉ.
Độ dốc cầu thang
Với các công trình thông thường, độ dốc cầu thang khoảng 18-33 độ. Khoảng cách từ bậc cầu thang lên tới trần nhà từ 2,15 m trở lên.
Số bậc
Với nhà có chiều cao tầng từ 3,3-3,8 m, số bậc cầu thang nên là số lẻ như: 5-9-21-25...
Lưu ý khi thiết kế cầu thang
Cầu thang là một trong những khu vực chịu lực nhiều nhất, nên vật liệu ốp cần đảm bảo độ cứng và tính thẩm mỹ, phổ biến như đá granite. Tay vịn (lan can) có thể cân nhắc giữa các chất liệu như: kính, sắt, gỗ..., chiều cao tiêu chuẩn thường từ 0,8 m trở lên.
Vị trí đặt cầu thang nên ở nơi thoáng đãng. Theo phong thủy, tránh bố trí ở chính giữa nhà đối diện cửa chính, cửa nhà bếp hay vệ sinh. Trong quá trình thi công cầu thang, gia chủ nên lưu ý về kết cấu, chọn vật liệu xây dựng phù hợp, triển khai đúng kỹ thuật để vừa an toàn, vừa thẩm mỹ.
Theo một số nghiên cứu, số bậc cầu thang còn tác động đến nhịp tim, đặc biệt với người lớn tuổi khi di chuyển, nên lưu tâm trong thiết kế kiến trúc. Với từng công trình cụ thể, chiều cao giữa các tầng sẽ khác nhau. Do đó, số bậc cầu thang cũng cần được tính toán để đảm bảo an toàn, phù hợp đặc điểm nhân trắc học và thuận tiện sử dụng.
KTS Huỳnh Xuân Hải
Kiến Thiết Việt