"Việc đi lại hàng ngày có thể khiến bạn tốn nhiều tiền hơn bạn nghĩ", nữ nhân viên 35 tuổi nói. Từ đầu năm đến nay, khi giá xăng liên tục tăng, trong khi công ty gặp nhiều khó khăn, siết lương thưởng và các khoản phụ cấp, Lan Anh phải xem lại cách chi tiêu, trong đó có khoản chi phí cho đi lại.
Chị tính toán, trước đây đi xe tay ga mỗi tháng hết 300.000 đồng tiền xăng, chưa kể chi phí rửa xe, bảo dưỡng định kỳ, đặc biệt là phí gửi xe hàng tháng lên tới 300.000 đồng, tính ra mỗi tháng cô phải bỏ ra gần một triệu đồng nuôi xe.
"Từ ngày chuyển sang đi bộ, tôi không những tiết kiệm được một khoản, mà còn thấy cơ thể khỏe khoắn, đầu óc thư giãn, nhiều năng lượng hơn so với trước đây", chị chia sẻ. Với những ngày trời mưa, nắng thất thường, chị gọi xe công nghệ, vừa tiện lợi lại nhiều ưu đãi.
Với phí sinh hoạt ngày càng tăng, người dân đang tìm nhiều cách để tối ưu chi phí, từ tiết kiệm điện, nước, tái sử dụng đồ cũ, tới tận dụng khuyến mại. Đi lại cũng là "lĩnh vực" đắt đỏ. Theo nghiên cứu của Tyto về "Chi phí đi làm ở London" năm 2021, nhân viên dành 21% tiền lương mỗi năm để đi lại.
Tại Việt Nam, theo số liệu của trang chi phí sinh hoạt toàn cầu Numbeo, người Việt chi hơn một phần năm số tiền hàng tháng cho đi lại và bốn phần năm còn lại cho đủ thứ, từ ăn uống, mua sắm, điện, nước, cước điện thoại - Internet; trang phục, thuê nhà, thể thao - giải trí...
Sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng là một cách tiết kiệm chi phí, dù phải dậy sớm hơn thường ngày và mất nhiều thời gian di chuyển hơn so với phương tiện cá nhân hay các ứng dụng gọi xe công nghệ. Anh Văn Thành (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ ngày chuyển chỗ làm mới cách công ty 15 km, quãng đường di chuyển lại thường xuyên tắc nghẽn, chưa kể giá xăng tăng cao, anh đã tạm "đắp chăn" chiếc xe máy và đi xe buýt để tiết kiệm.
"Đi xe buýt, tôi phải dậy sớm hơn gần một tiếng. Cách này không tiện và không chủ động nhưng bù lại tôi có thể ngủ thêm một chút trên xe, quần áo cũng không dính khói bụi và đặc biệt chi phí tiết kiệm đáng kể", anh Thành cho hay.
Tại Hà Nội, tàu điện trên cao đang là phương tiện thu hút người dân, nhất là những người có chỗ ở gần lộ trình tàu chạy. Chị Thu Trang, 33 tuổi, nhân viên văn phòng gần phường Cát Linh, quận Đống Đa chia sẻ, chị đăng ký giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng và có thể đi tùy thích vào bất kỳ khung giờ nào trong ngày. Nếu là học sinh, sinh viên thì giá vé chỉ 150.000 đồng.
"Tính trung bình cả đi lẫn về, mỗi ngày tôi tốn chưa hết tới 10.000 đồng", chị nói. Tuy nhiên nhược điểm của phương tiện này là giới hạn một số lộ trình, chỉ phù hợp với những người gần cung đường tàu điện trên cao.
Với những người thạo công nghệ và biết nắm bắt cơ hội ưu đãi từ các nền tảng online, gọi xe lại là lựa chọn ưu tiên. Chị Thanh Huyền (40 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hai năm nay là khách hàng ruột của một số nền tảng gọi xe. Là giảng viên một trường đại học tại Hà Nội, mỗi ngày chị phải di chuyển tổng quãng đường 20 km đến trường và về nhà.
Chị từng tính mua ôtô để thuận tiện đi lại, nhưng nghĩ đến các chi phí nuôi xe, trong đó phí gửi xe ở trường và ở chung cư mỗi tháng hết 2,5 triệu đồng, chưa kể phí xăng dầu, đăng kiểm, bảo dưỡng, căng thẳng mỗi lần cầm lái... Chị từ bỏ ý định đó và chuyển sang đi xe công nghệ cho "nhàn thân", tính ra lại tiết kiệm hơn nhiều nếu biết cách sử dụng dịch vụ đúng cách, đúng thời điểm.
Chị Huyền ví dụ với Grab - ứng dụng chị sử dụng thường xuyên. Khi có nhu cầu di chuyển ngoài khung giờ cao điểm, chị thường lựa chọn GrabCar Economy với giá tiết kiệm lên đến 10% so với dịch vụ thông thường. Kết hợp với các ưu đãi khác cùng lúc, nhiều khi cuốc xe của chị Huyền được giảm tới 50.000 đồng.
"Quãng đường di chuyển, ngồi trên xe, tôi có thể tranh thủ xử lý công việc, nghỉ ngơi, trong khi tự lái xe, tôi không thể làm những việc đó", nữ giảng viên nói thêm.
Ngoài đi làm, những khi lên phố chơi cuối tuần, hay tụ tập bạn bè, chị Huyền đều gọi xe công nghệ vì thấy tự lái xe nhà thì chi phí gửi xe trên phố còn đắt hơn cả tiền taxi, chưa kể nếu có uống rượu cũng không lo bị thổi nồng độ cồn, vì đã có "bác Grab" lo hộ.
Theo đại diện Grab, bên cạnh các ưu đãi hiện có, siêu ứng dụng triển khai thêm dịch vụ GrabCar Economy và GrabBike Economy tại Hà Nội và TP HCM. Dịch vụ áp dụng từ 6h đến 16h hàng ngày, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng về trải nghiệm dịch vụ sao cho vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm.
"Nhu cầu của người dùng ngày càng đa dạng và luôn thay đổi theo các diễn biến của đời sống thực tế. Các nền tảng như Grab cũng phải năng động để thích ứng bằng những giải pháp phù hợp cho người dùng", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Thế Đan