Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Jacinda Ardern sau thảm kịch xả súng lớn nhất trong lịch sử New Zealand hôm 15/3, Tổng thống Donald Trump đã hỏi liệu nước Mỹ có thể giúp được gì. "Lòng cảm thông và tình yêu dành cho tất cả các cộng đồng người Hồi giáo" chính là câu trả lời mà nhà lãnh đạo cường quốc số một thế giới không ngờ tới, theo Stuff.
Ngày 15/3/2019, một kẻ cực đoan dùng súng trường bán tự động xả đạn vào hai nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch, giết chết 50 người và khiến hàng chục người khác bị thương. Trong số những nạn nhân bị bắn chết tại chỗ có trẻ nhỏ ba tuổi. Các nạn nhân đa phần là dân nhập cư.
Thay vì sợ hãi và oán hận, cách người dân New Zealand phản ứng trong những ngày qua mang đến thông điệp của tình yêu thương và lòng cảm thông. Giống như cách Thủ tướng Jacinda Ardern đối mặt với thời khắc đen tối của đất nước bằng sự bình tĩnh và lòng trắc ẩn.
"Họ có thể là những người nhập cư, những người tị nạn. Họ đã chọn New Zealand làm nhà. Và đây là nhà của họ", Thủ tướng Ardern lập tức lên truyền hình trấn an công chúng và bảo vệ các nạn nhân. "Họ là chúng ta". Bà lựa chọn từ ngữ hàm chứa sự cảm thông thay vì nhấn mạnh vào sự oán hận; kêu gọi đoàn kết thay vì khoét sâu vào chia rẽ.
Thủ tướng Ardern liên tục truyền tải "năng lượng tích cực" như đúng tôn chỉ bà đã đề ra lúc tranh cử. Thời gian đã chứng minh thông điệp tranh cử từng bị coi là "ngây thơ" này không phải để lấy phiếu bầu của cử tri mà phản ánh quan niệm làm người của Jacinda Ardern.
Tinh thần "đồng cảm và yêu thương" của Thủ tướng Arden không chỉ thể hiện qua lời nói. Ngay sau vụ xả súng, bà Ardern dẫn đầu một nhóm các chính trị gia thuộc nhiều đảng phái đến nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch để động viên gia đình các nạn nhân. Dù là một người vô thần, Thủ tướng New Zealand đã trùm khăn choàng đầu theo phong tục đạo Hồi. Hành động của bà thể hiện sự tôn trọng và đồng cảm với các nạn nhân và cộng đồng người Hồi giáo.
"Việc Thủ tướng đội khăn trùm đầu có ý nghĩa lớn với chúng tôi", Dalia Mohamed, người thân của một tình nguyện viên bị sát hại tại nhà thờ Hồi giáo Al Noor, nói với Reuters.
Bà Ardern ôm chặt từng người, nói thầm vào tai họ những lời an ủi. Bà kiên nhẫn lắng nghe những lời tâm sự của những người có mặt ở đó. Nếu không có ống kính máy quay, người ta sẽ khó nhận ra được đây cuộc viếng thăm của một nguyên thủ quốc gia.
Người dân trên khắp đất nước New Zealand chia sẻ thông điệp đoàn kết mà Thủ tướng Ardern phát đi ngay sau thảm kịch rằng các nạn nhân, "họ là chúng ta".
Khi xảy ra khủng hoảng, trong lúc hoảng sợ bao trùm, người ta thường ráo riết tìm kiếm ngọn nguồn nguyên nhân để đổ lỗi và thoái thác trách nhiệm. Nhưng Jacinda Ardern chưa có bất cứ phát ngôn nào tấn công Australia, quê hương của kẻ khủng bố. Bà thậm chí từ chối nhắc đến tên của kẻ thủ ác vì muốn tập trung năng lượng quan tâm đến những nạn nhân và an ủi người thân của họ.
Thủ tướng Ardern cũng không lên án mạng xã hội đã tiếp tay cho kẻ khủng bố tuyên truyền những thông điệp thù hằn. Bà chỉ yêu cầu họ phải có trách nhiệm hơn trong việc quản lý những nội dung và thông tin độc hại.
Ngay cả khi bà yêu cầu điều tra cơ quan an ninh cũng không phải với mục đích truy cứu các cá nhân phải chịu trách nhiệm mà nhằm đảm bảo sự việc tương tự sẽ không lặp lại trong tương lai.
Đáp lại phản ứng của Thủ tướng New Zealand, cơ quan an ninh nước này tuyên bố họ cần phải "học tất cả những bài học có thể từ thảm kịch này". Facebook và nhiều trang mạng xã hội khác chủ động gỡ bỏ những video quay cảnh xả súng và những nội dung kích động bạo lực liên quan. Còn người dân Australia phải suy nghĩ lại về chủ nghĩa bài người Hồi giáo đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ ở quốc gia này.
Jacinda Ardern nổi lên trong cuộc bầu cử New Zealand năm 2017 và được đánh giá như một phần trong làn sóng các nhà lãnh đạo trẻ cấp tiến. Ardern được coi là biểu tượng cho sự tiến bộ của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo khi mang thai, sinh con và nghỉ thai sản 6 tuần khi còn đương chức. Trước đó, chỉ có cựu thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto là nhà lãnh đạo duy nhất từng sinh con khi tại nhiệm.
Năm 2018, Ardern bế theo con nhỏ vào phòng họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một việc chưa từng có tiền lệ, bất chấp những chỉ trích về sự thiếu chuyên nghiệp. Ardern là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử New Zealand.
Giới truyền thông dùng cụm từ "Jacinda-mania", ghép giữa tên riêng của Thủ tướng và "cơn cuồng", để miêu tả sự mến mộ của dân New Zealand dành cho nữ lãnh đạo.
Jacinda Ardern được xem là một thế hệ lãnh đạo mới, lãnh đạo bằng sự yêu thương và đồng cảm. "Chúng ta dạy con trẻ sự tử tế và thấu hiểu, nhưng đến lúc lên làm lãnh đạo, nắm giữ quyền lực trong tay, chúng ta lại hoàn toàn vứt bỏ điều đó", bà từng nói.
Sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 23/9/2017, Công đảng của Jacinda Ardern không có đủ số ghế để thành lập chính phủ mới nên đã liên hiệp với đảng New Zealand Trên Nhất để đạt được một thỏa thuận liên minh. Nữ chủ tịch Công đảng Jacinda Ardern chỉ biết mình trở thành nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử của New Zealand khi đang ngồi xem TV.
Không phải là lựa chọn đầu tiên nhưng Jacinda Ardern đã trở thành một hình mẫu nhà lãnh đạo lý tưởng, không chỉ trong mắt người dân New Zealand mà với nhiều người trên thế giới bởi những người chia sẻ cùng hệ giá trị sẽ luôn tìm đến nhau. "Trong những hoàn cảnh (khó khăn) như vậy, lòng tốt là hành động mang tính quyết liệt", phóng viên của Stuff nhận xét.
An Hồng