Đại úy Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, chia sẻ kỹ năng thoát hiểm tại nhà ống, nhà liền kề, chung cư và trung tâm thương mại.
Nhà ống, nhà liền kề
Khi xảy ra hỏa hoạn, tâm lý chung của nhiều người là hoảng loạn, dẫn đến không tìm được lối và đường thoát nạn. Vì thế việc đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần bình tĩnh, sau đó tìm cách bảo vệ cơ quan hô hấp. Khoảng 80% số người chết trong đám cháy là do ngạt khói, khí độc. Nếu hít phải khói độc liên tục, một người bình thường, sức khỏe tốt sẽ bị ngất sau 1-4 phút.
Trường hợp không có mặt nạ lọc độc, bạn có thể dùng tay, quần áo, vật dụng làm bằng vải cotton, sau đó nhúng ướt để che lên mũi và miệng, bảo vệ cơ quan hô hấp. Khi xảy ra cháy, khói bay lên cao nên bạn cần hạ thấp trọng tâm cơ thể bằng cách di chuyển thấp người, đi khom, giữ khoảng cách từ mũi, miệng đến mặt đất 80-100 cm. Nếu kết cấu xây dựng sụp đổ, làm hạn chế không gian di chuyển, bạn có thể bò rồi men theo tường để ra cửa.
Nếu cháy ở tầng thấp, bạn lại đang trên tầng cao và không thể ra ngoài thì cần di chuyển lên tầng cao nhất (sân thượng). Đó là khu vực các gia đình thường dùng để phơi quần áo nên thông thoáng, khói độc sẽ bị khuếch tán ra môi trường bên ngoài. Những nơi này giúp bạn có cơ hội sống cao nhất. Nếu có vòi nước trên sân thượng, bạn có thể làm ướt bề mặt tường, sàn và người.
Tôi từng cảnh báo nhiều gia đình rằng làm nhà quá kiên cố với cửa cuốn, cửa xếp, làm chuồng cọp và không có lối thoát nạn phụ, khi xảy ra cháy sẽ không thể thoát sang nhà hàng xóm hoặc trổ cửa lên mái. Do đó khi xây dựng, bạn nên đảm bảo có lối thoát nạn phụ, nếu làm chuồng cọp cũng nên có thêm cửa, để trong trường hợp không thể thoát theo lối cửa chính, có thể mở cửa sang nhà hàng xóm.
Ngoài ra, việc nấp trong nhà tắm, đóng kín cửa cũng không nên. Khi đó, bạn rất dễ ngạt khói. Việc cần làm là di chuyển đến nơi thông thoáng nhanh nhất có thể.
Nếu đã đến phòng xa nhất, khói khí độc bắt đầu lùa vào hoặc lửa cháy ngay trước cửa, bạn hãy nhúng ướt giẻ, quần áo rồi bịt các khe cửa hoặc dán kín bằng băng dính. Sau đó nhanh chóng di chuyển ra ban công, gọi to hoặc ra tín hiệu báo cho những người xung quanh, đồng thời gọi điện cho lực lượng phòng cháy chữa cháy theo số 114.
Khi gọi điện thông báo, bạn cần thông tin ngắn gọn, chính xác gồm địa chỉ nhà, trong phòng có mấy người, ai tự di chuyển được, ai bị thương và tình trạng vết thương để lực lượng cứu hộ lên phương án ứng phó.
Chung cư, nhà cao tầng
Theo quy chuẩn xây dựng hiện nay, mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có ít nhất hai lối cầu thang bộ thoát nạn. Tuy nhiên, nhiều nơi để cư dân mở cửa thang bộ rồi chèn lại để di chuyển, như vậy lối cầu thang sẽ không kín, khi có cháy, khói khí độc sẽ bay vào các lối cầu thang bộ, dẫn đến việc di chuyển thoát nạn gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy là mọi người đang hiểu sai chức năng của thang bộ. Cửa cầu thang này chỉ được phép mở khi có cháy, nổ và trường hợp khẩn cấp.
Trong vụ cháy tại chung cư Carina tại TP HCM, 11 người chết ở thang bộ thoát nạn vì ngạt khói và không ai bảo vệ cơ quan hô hấp. Do đó, việc đầu tiên phải cảnh báo cư dân chung cư là tuyệt đối không mở cửa thang thoát hiểm, trừ khi có cháy và các tai nạn, sự cố.
Ngoài ra, khi có báo động cháy, bạn cần xác định đó là thật hay giả vì nhiều hệ thống đôi lúc vẫn báo cháy giả. Nếu là cháy thật, bạn sử dụng khăn vải ướt nhúng nước, mặt nạ lọc độc, bảo vệ cơ quan hô hấp, và kiểm tra hành lang, cầu thang thoát hiểm. Nếu thang không nhiễm khói, bạn bình tĩnh di chuyển theo lối cầu thang bộ ra ngoài tòa nhà, tránh vội vàng, hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau.
Trường hợp cầu thang thoát hiểm đã nhiễm khói độc và không thể đi xuống, nếu tầng xảy ra cháy ở ngay dưới tầng mình đang sinh sống, bạn cần nhanh chóng di chuyển lên phía trên, cách nơi tầng xảy ra cháy khoảng 3-4 tầng. Nhiều người sốt sắng chạy lên sân thượng, việc này gây mất sức không cần thiết.
Trường hợp khói khí độc bắt đầu lùa vào hành lang, ngay trước cửa phòng, bạn cần nhúng ướt giẻ, quần áo rồi bịt các khe cửa hoặc dán kín bằng băng dính. Sau đó nhanh chóng di chuyển ra ban công, gọi to hoặc ra tín hiệu báo cho những người xung quanh, đồng thời gọi điện cho lực lượng phòng cháy chữa cháy theo số 114.
Trung tâm thương mại
Đây là khu vực đông người, nhiều vật dụng dễ cháy. Khi hỏa hoạn, thường hệ thống điện trong trung tâm thương mại sẽ bị ngắt. Thay vào đó, đèn chiếu sáng sự cố cùng đèn exit vẫn sáng, chỉ dẫn cho bạn lối ra an toàn. Trung tâm thương mại có rất nhiều lối exit thoát hiểm, bạn có thể chọn biển chỉ dẫn gần mình nhất hoặc nơi ít chen lấn nhất.
Ngoài ra, lực lượng bảo vệ của trung tâm thương mại có vai trò rất quan trọng. Họ cần nhanh chóng hỗ trợ mọi người trong trường hợp có sự cố. Ngoài việc chỉ cho người dân lối thoát hiểm gần nhất, họ còn có vai trò điều tiết, hướng dẫn để tránh tình trạng chen lấn.
Ban quản lý các trung tâm cũng cần chú ý việc không để hàng hóa ngay ở lối thoát hiểm hoặc chèn cửa như chung cư để việc thoát nạn diễn ra nhanh chóng, an toàn hơn.
Trong quá trình thoát hiểm, bạn luôn nhớ phải bảo vệ cơ quan hô hấp.
Thanh Hằng (ghi)