Về cơ bản, mái nhà là nơi tiếp xúc và chịu tác động trực tiếp từ môi trường, là một yếu tố quan trọng cần chú ý khi thi công nhà ở. Tuy nhiên, theo KTS Phạm Thanh Truyền (Giám đốc công ty Kiến trúc - Xây dựng - Đào tạo Cát Mộc), vì để đơn giản và tiết kiệm, nhiều ngôi nhà phần mái không đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật, khó bảo vệ nhà khỏi thời tiết khắc nghiệt, nhất là tại những nơi thường xảy ra mưa bão.
Do đó, khi thi công mái nhà, gia chủ nên chú ý những điểm sau đây.
Lựa chọn loại mái phù hợp
Có 2 loại mái nhà phổ biến là mái bằng (phương song song với mặt đất) và mái dốc (tạo với phương ngang một góc nhất định). Theo KTS, cần xem xét bối cảnh địa lý và mục đích sử dụng để xác định dạng mái phù hợp.
Với khu vực có lượng mưa lớn, vùng trung du, miền núi... nhà nên dùng loại mái dốc, vật liệu phổ biến là tôn, ngói hoặc đổ bê tông, lợp bitum phủ lên. Nhà mái dốc giúp nước mưa chảy nhanh, chống thấm, chống dột và mang đến không gian thoáng đãng, mát mẻ với chức năng giải nhiệt cao.
Khi thiết kế mái dốc, cần tránh đưa vị trí mái thấp vào sát cạnh giáp với nhà hàng xóm, khiến nước mưa tràn sang nhà người khác.
Ngược lại, ở vùng đồng bằng, dọc biển hay những nơi gió, bão nhiều, gia chủ có thể chọn mái bằng. Loại này có ưu điểm là bền bỉ và khả năng chống chịu trước các tác động từ tự nhiên như mưa bão vì có độ dốc tương đối thấp, chỉ dao động trong khoảng 5-8%.
Khi thi công, mái bằng cần được đổ bê tông kiên cố, tính toán hợp lý để chống được với gió biển, bão lũ. Với các công trình ven biển, gia chủ không nên dùng kèo bằng kim loại để làm mái vì sẽ nhanh rỉ sét, hư hỏng.
Làm sàn mái hai lớp
Theo KTS, với mái bằng, sàn mái nên được cấu tạo bởi 2 lớp. Lớp đầu tiên là sàn chịu lực bằng bê tông, được chống thấm, tạo độ dốc thu nước mưa. Lớp tiếp theo có thể ghép bằng những tấm đan bê tông đục lỗ, gốm nung, tấm Duraflex... Hai lớp sàn cách nhau 10 cm, khoảng hở này giúp đối lưu, thông gió.
Với cách thiết kế hai lớp, sàn mái sẽ được tấm đan bảo vệ, không chịu tác động trực tiếp của nhiệt mặt trời, ít co giãn, thấm nước. Nhờ đó, khu vực tầng trên cùng sẽ giảm nhiệt, thoáng mát hơn.
Lựa chọn vật liệu phù hợp
Cần nắm rõ đặc tính lý, hóa của từng loại vật liệu để ứng dụng cho phần mái một cách hợp lý nhất.
Phổ biến và tiết kiệm hiện nay là mái tôn, tuy nhiên lại gây tiếng ồn lớn khi trời mưa và khả năng cách nhiệt không tốt. Mái tôn cũng không đáp ứng về mặt thẩm mỹ. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại tôn cách nhiệt và cách âm, nhưng chỉ giảm được phần nào những hạn chế.
KTS gợi ý gia chủ sử dụng mái ngói hoặc bê tông cốt thép. Mái bê tông cốt thép phổ biến ở các đô thị lớn nhờ khả năng tận dụng mặt bằng mái để làm vườn, chứa đồ...
Mái ngói nếu được lắp đặt bằng hệ thống kèo thép, gỗ đúng kỹ thuật, đảm bảo đủ các lớp cấu tạo, sẽ có độ bền và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, giá thành của vật liệu này khá cao, gia chủ nên cân nhắc khả năng tài chính và phong cách kiến trúc yêu thích khi chọn lựa.
Hệ thống thoát nước mưa
Tiết diện ống thoát nước được tính toán dựa vào lượng mưa trung bình hàng năm của khu vực, phòng ngừa trường hợp mưa lớn. Độ nghiêng sàn mái phải đạt tối thiểu 30% với mái ngói, mái tôn 10%, mái bằng 1% để nước mưa thoát hết, không đọng lại, tràn vào nhà.
Gia chủ nên lắp song song 2-3 quả cầu chắn rác (nơi thu nước đưa về ống thoát), dự phòng trường hợp 1 vị trí thu nước bị tắc nghẽn.
Chống thấm sàn mái
Để tránh nứt sàn, nước thấm từ trên mái xuống nhà, thao tác chống thấm cần thực hiện kỹ lưỡng. KTS gợi ý gia chủ chống thấm bằng gốc xi măng, bền và dễ ứng dụng hơn.
Khi thi công, gia chủ quét các lớp xi măng vào bề mặt bê tông, xi măng hòa trộn với lớp bê tông sẽ nở ra, bịt kín lỗ rỗng của bê tông, hạn chế nước thấm xuống sàn mái. Còn nếu gia chủ sử dụng nhựa đường để chống thấm, sau một thời gian chất liệu này sẽ bị "lão hóa", rách màng thấm.
Bình Nghi