Trong chương trình xTalk của FUNiX – "Bí quyết ứng tuyển thành công vào các công ty công nghệ", anh Trần Vũ Hoàng - Giám đốc Nhân sự (CHRO) công ty Hachinet đã chia sẻ kinh nghiệm và bài học giúp các bạn trẻ học IT trực tuyến có thể ứng tuyển thành công vào các doanh nghiệp.
Liệt kê các công việc từng làm
Từ vị trí Giám đốc nhân sự, anh luôn muốn biết mốc thời gian làm việc cụ thể và công việc ứng viên đã làm lúc đó. Mỗi dự án, bài luận hay chứng chỉ các bạn đạt được đều nên chia theo lịch trình chi tiết để nhà tuyển dụng dễ dàng theo dõi và đưa ra đánh giá.
Tuy nhiên, việc liệt kê công việc cần viết ngắn gọn. Những gì viết vào CV, ứng viên nên nắm chắc và hiểu rõ về nó để không bị hoang mang khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi. "Khi bạn thực sự hiểu về việc mình từng làm, bạn sẽ rất tự tin trình bày về nó giúp ghi điểm ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng", anh Vũ Hoàng nói thêm.
Nếu chuyển ngành nghề từ các lĩnh vực khác sang ngành IT, các bạn có thể đưa công việc trước đó vào CV nhưng ngắn gọn, nêu rõ các kỹ năng mình đạt được từ công việc cũ. Quá trình học tập công nghệ để đổi nghề cũng là một dấu mốc có thể đưa vào CV.
"Trong khoảng thời gian học để chuyển nghề, bạn đã học, tìm hiểu những gì về ngành IT và làm dự án thực tế nào, đó là những gì nhà tuyển dụng thực sự quan tâm", anh nhấn mạnh.
Đính kèm link các sản phẩm, dự án từng làm
Trong hồ sơ ứng tuyển, nhiều ứng viên gửi kèm các link sản phẩm dự án mình từng làm như link github hoặc tương tự. Giám đốc nhân sự Hachinet nhận định đây là một điểm cộng vì các bạn có thể cho nhà tuyển dụng đánh giá sản phẩm của bạn, viết code ra sao và tư duy như thế nào. Từ đó, doanh nghiệp có cái nhìn sơ bộ về ứng viên.
Anh Hoàng cho biết thêm, lợi ích trực tiếp cho ứng viên khi gửi kèm link sản phẩm trong hồ sơ xin việc là các trưởng nhóm của công ty tuyển dụng xem trực tiếp và góp ý xem cần chỉnh sửa gì để hoàn thiện hơn. Điều này rất có giá trị với những bạn mới vào nghề. Dù vượt qua vòng phỏng vấn hay không, sinh viên vẫn sẽ nhận được kiến thức và kinh nghiệm.
Trong CV, ứng viên cũng có thể đưa thêm các kỹ năng khác ngoài chuyên môn, ví dụ như giao tiếp, quản lý, trình độ ngoại ngữ, khả năng học thêm các ngôn ngữ mới,... Việc liệt kê đầy đủ và đưa kèm các dẫn chứng sẽ giúp hồ sơ nổi bật hơn.
Quy trình tuyển dụng thông thường của công ty công nghệ
Giám đốc nhân sự Hachinet giới thiệu về quy trình tuyển dụng tại đơn vị này để sinh viên tham khảo, nắm được các bước tuyển dụng doanh nghiệp. Theo đó, nhóm Dự án hoặc phòng Sale sẽ định hướng sắp tới công ty có dòng dự án gì; công ty sẽ tập trung phát triển theo hướng như thế nào... Từ đó, người chịu trách nhiệm nhân sự sẽ tiếp nhận yêu cầu từ các nhóm, phòng, ban và giao nhiệm vụ cho bộ phận Nhân sự (HR).
Phòng HR sẽ tạo mô tả công việc trên hệ thống tuyển dụng của riêng công ty. Những ứng viên muốn ứng tuyển sẽ gửi email và trải qua vòng lọc hồ sơ. Bộ phận đã đưa ra yêu cầu cho vị trí tuyển dụng sẽ chịu trách nhiệm lọc hồ sơ. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá theo tiêu chí mức độ phù hợp với mảng công việc đang thiếu nhân sự. Trải qua vòng này, ứng viên sẽ nhận được email phản hồi từ HR và lên lịch hẹn phỏng vấn.
Về quy trình phỏng vấn, Hachinet thường có một vòng phỏng vấn chung cho các vị trí như senior, technical leader,... và chia làm hai giai đoạn: phỏng vấn, kiểm tra về năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm. Trong vòng đầu, thực tập sinh sẽ được kiểm tra về kiến thức nền tảng và lắng nghe nhận xét, góp ý từ lãnh đạo công ty. Sau đó, kỹ năng mềm sẽ được đánh giá thông qua cách ứng viên xử lý các tình huống. Ứng viên cần thể hiện kỹ năng giao tiếp, quản trị thời gian, thích nghi với áp lực công việc...
Các công ty sẽ thực hiện 2-3 vòng phỏng vấn và trải qua quy trình kiểm tra gắt gao để lựa chọn các vị trí quan trọng. Thành công trong quá trình phỏng vấn sẽ mang đến cơ hội thử việc tại các công ty công nghệ cho ứng viên. Hiện nay, hầu hết các công ty đều có khoảng thời gian thử việc trước khi trở thành nhân viên chính thức, thời gian sẽ kéo dài 1-3 tháng. Với Hachinet, thời gian thử việc sẽ là hai tháng và tùy theo từng trường hợp, thời gian thử việc có thể rút ngắn.
Theo anh Hoàng, khoảng thời gian này là lợi thế cho cả đôi bên. Công ty có thể đánh giá năng lực ứng viên và mức độ thích hợp với văn hóa công ty. Đồng thời, nhân sự mới có thể trải nghiệm môi trường làm việc, xác định có thực sự phù hợp với mình hay không.
Minh Tiến