Vào đầu những năm 2000, dân London, Anh bắt đầu thấy lác đác những người nước ngoài với dáng vẻ của "giới giàu mới nổi" xuất hiện trong thành phố. Họ đi lại bằng máy bay cá nhân, kè kè bên cạnh là những cô người mẫu trẻ trung và được hộ tống bởi một đội vệ sĩ. Và khi họ cất giọng, người ta mới biết nhóm người này là những ông trùm, những nhà tài phiệt Nga, Guardian đưa tin.
Ban đầu, dân London tỏ ra lạnh nhạt và thờ ơ nhưng mọi việc bắt đầu thay đổi khi các nhà tài phiệt Nga mở hầu bao thâu tóm những bất động sản đắt đỏ nhất trong nội đô London và vùng ngoại ô lân cận Surrey. Họ mở tài khoản tại các ngân hàng Anh để thực hiện các giao dịch công ty. Và một số "mạnh tay" mua luôn các câu lạc bộ bóng đá đang chơi ở giải ngoại hạng Anh. Đến lúc này, thị trưởng London phải thốt lên "Dobro pozhalovat!", nghĩa là "Chào mừng", trong tiếng Nga.
Trước sự "thịnh tình" của London, các tài phiệt Nga "nán lại", đẩy giá nhà đất ở thủ đô nước Anh liên tục lập các kỷ lục mới, "đánh bóng" đường phố London bằng những chiếc xe hơi hạng sang được thiết kế riêng, mua sắm ở trung tâm thương mại xa xỉ nhất London và ăn tối tại những nhà hàng mà chỉ có họ đủ khả năng thanh toán hóa đơn. Ngoảnh đi ngoảnh lại, nhóm người Nga siêu giàu này đã ở London gần 20 năm. Một vài quyết định trở thành công dân Anh nhưng đa phần vẫn giữ quốc tịch Nga và cư trú ở xứ sở sương mù với thị thực dài hạn nhằm tránh nghĩa vụ đóng thuế.
Dù chính phủ Anh xăng xái trải thảm đỏ chào đón các tài phiệt Nga, dân Anh vẫn không coi họ là những tỷ phú tự thân, tức làm giàu từ tài năng cá nhân như ông chủ Facebook Mark Zuckerbeg hay người đồng sáng lập Google Sergey Brin. Nhiều "ông trùm" trong các ngành công nghiệp Nga giàu bật lên nhờ các thương vụ với chính phủ Nga. Chẳng hạn họ mua đứt các tập đoàn nhà nước với mức giá bèo thông qua tiến trình cổ phần hóa, rồi cơ cấu những doanh nghiệp này thành những khối tài sản lớn và bán lại cho chính phủ Nga và thu về những khoản siêu lợi nhuận. Nhờ các thương vụ kiểu này, một vài người, cả đời làm việc trong các công ty nhà nước, bỗng trở thành tài phiệt chỉ sau một đêm.
Năm 1995, cùng với trùm Boris Berezovsky, tỷ phú Roman Abramovich mua Sibneft, một công ty dầu mỏ lớn của Nga với giá 200 triệu USD. Vào năm 2015, Abramovich bán Sibneft cho tập đoàn dầu khí Nga Gazprom với giá 13 tỷ USD. Tỷ phủ người Nga gốc Uzbekistan Alisher Usmanov nổi tiếng với thương vụ mua 30% cổ phần của câu lạc bộ ngoại hạng Anh nhưng không phải ai cũng biết tỷ phú này cũng thâu tóm một công ty con của tập đoàn Gazprom để mở đường cho sự ra đời của tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất của Nga là Metalloinvest. Ngoài ra, không thể không nhắc đến tỷ phú Andrey Yakunin với vụ bán một loạt các khách sạn thuộc sở hữu của công ty đường sắt nhà nước Nga. Thương vụ này đã đưa Yakunin lên tầng lớp tỷ phú đôla. Hay tỷ phú gốc Ukraine Leonard Blavatnik phất lên sau vụ cổ phần hóa công ty dầu mỏ TNK và thành lập liên doanh với tập đoàn BP. Sau đó liên doanh giữa TNK và BP bán 50% cổ phần cho công ty khai thác và lọc dầu hàng đầu của Nga Rosneft với mức giá "khủng" 55 tỷ USD.
Tầng lớp tài phiệt Nga không chỉ thúc đẩy ngành tiêu dùng và bất động sản của Anh mà còn đóng góp những khoản tiền khổng lồ vào các quỹ từ thiện, hào phóng tài trợ các học viện nghệ thuật và các cơ sở giáo dục. Xét trên khía cạnh nào đó, họ là mẫu công dân lý tưởng. Theo xếp hạng của Sunday Times, ông chủ của câu lạc bộ Arsenal tỷ phủ người Nga gốc Uzbekistan Alisher Usmanov được xếp vào danh sách 10 nhà từ thiện hào phóng nhất nước Anh năm 2016. Trong khi đó, Abramovich đóng góp nhiều nhất cho quỹ từ thiện Fulfilling Dreams chuyên tài trợ cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo đi nghỉ ở nhiều nơi trên thế giới. Hay tỷ phú gốc Ukraine Leonard Blavatnik được tôn vinh như một hiệp sĩ vì những khoản đóng góp hào phóng cho giáo dục.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng vai trò của các tài phiệt Nga không quan trọng đến thế với nền kinh tế Anh. Thứ nhất, các ông trùm Nga mở doanh nghiệp ở nước ngoài, thường là ở những thiên đường thuế, nên không tạo ra công ăn việc làm cho người Anh. Họ cũng không đầu tư ở Anh và không tạo ra doanh thu xuất nhập khẩu cho nước Anh. Quan trọng hơn nữa, do không nhập quốc tịch, họ chỉ phải đóng một khoản thuế rất nhỏ so với khối tài sản khổng lồ.
Chưa kể những đồn đoán xung quanh mối liên hệ giữa họ với Điện Kremlin khiến công chúng Anh lo ngại những khoản đóng góp từ thiện có động cơ chính trị. Năm 1999, tỷ phú Abramovich được bầu làm thống đốc của Chukotka, một vùng nghèo khó ở cực đông của Nga. Ông đã đầu tư hàng trăm triệu đô để xây dựng thành phố và được bầu lại nhiệm kỳ hai vào năm 2005. Tỷ phủ Alisher Usmanov bỏ tiền túi xây dựng một số công trình cho Thế vận hội Sochi và Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018.
An Hồng