Độc giả: Thúy Lương
Theo kỹ sư Đào Xuân Hanh (Công ty Năng lượng xanh), ấm đun nước siêu tốc gồm ba thành phần chính, thân ấm làm từ inox hoặc nhựa cao cấp; đế ấm lắp một thanh nhiệt có tác dụng truyền nhiệt trực tiếp để làm sôi nước trong thời gian ngắn. Cuối cùng là hệ thống rơ le nhiệt với tác dụng tự động tắt nguồn điện khỏi thiết bị khi nước đã sôi.
Rơ le nhiệt có công dụng rất quan trọng, đảm bảo an toàn cho thiết bị, tránh chập cháy. Nếu hệ thống này có những biểu hiện bất thường, cần sửa chữa ngay.
Ngoài ra, khi sử dụng ấm siêu tốc, cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, phải sử dụng nguồn điện phù hợp với sản phẩm. Sản phẩm này có công suất dao động 600-2.500 W nên nguồn dây cấp phải là loại 1,5-2,5, nếu dây quá nhỏ dễ xảy ra chập cháy do quá tải.
Dây điện 1.5 hoặc 2,5 là loại lõi nhôm hoặc đồng có tiết diện 1.5 hoặc 2,5 mm2, có lớp vỏ bọc là lớp nhựa PVC dày.
Thứ hai, không sử dụng ấm siêu tốc vào các mục đích ngoài đun nước. Nếu luộc trứng, nấu mì hoặc những món ăn khác, ấm sẽ đóng cặn, nhanh hỏng hóc.
Thứ ba, không nên để nước trong ấm trong thời gian dài. Việc này tăng mảng bám hay lớp vôi hóa bên trong, ảnh hưởng đến chất lượng nước cũng như tuổi thọ ấm.
Không đun nước ở mực nước thấp hơn mức tối thiểu (có đánh dấu trên ấm) hoặc mực nước vượt quá giới hạn.
Luôn đóng kín nắp ấm siêu tốc khi đun. Mở nắp lúc đang sử dụng khiến tính năng tự ngắt điện không hoạt động, nếu không để ý có thể gây cháy ấm.
Khi vệ sinh, không rửa ấm dưới vòi nước chảy vì có thể làm hỏng thiết bị. Cần tháo phích cắm ra khỏi ổ cắm, chờ ấm nguội trước khi bắt đầu vệ sinh. Dùng khăn sạch lau toàn bộ phần bên trong ấm. Trong trường hợp không sử dụng, nên rút điện ra khỏi phích cắm để đảm bảo an toàn.
Lưu ý cuối cùng là không nên đun nước liên tục trong thời gian dài, bởi khiến cho mâm nhiệt quá tải, dễ dẫn tới cháy nổ. Tốt nhất nên để một khoảng thời gian nghỉ nhất định giữa các lần nấu, mục đích để mâm nhiệt nguội bớt.
Trang Vy