Mới đây, ngày 4/12, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, bởi những thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Danh hiệu ghi nhận cho những đóng góp cho quá trình phát triển thị trường tài chính của SSI - một trong những công ty chứng khoán đầu tiên và lớn nhất thị trường. Đối với tập thể SSI, đặc biệt là người đứng đầu, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng, sự ghi nhận của Đảng và Chính phủ cũng một lần nữa khẳng định con đường họ đã chọn từ hơn 20 năm trước là hoàn toàn đúng đắn, dù không mấy dễ dàng.
Những viên gạch đầu tiên
Hành trình đến với ngành chứng khoán của vị Chủ tịch SSI bắt đầu từ giai đoạn 1998-1999, khi ông nhận ra một thực tế, các khách hàng cần tư vấn kết nối đầu tư thực sự cần một kênh huy động vốn. Khi Chính phủ, Bộ Tài chính lên kế hoạch xây dựng thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, ông nhận ra cơ hội đã đến.
Ông Nguyễn Duy Hưng kể lại, ông đã xin gặp nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để trình bày về "giấc mơ xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam". Đây là tiền đề cho sự ra đời của thị trường chứng khoán cũng như SSI - công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên, duy nhất tại thời điểm đó, với 13 thành viên, vốn điều lệ 6 tỷ đồng.
"Chúng tôi lúc đó chỉ có chút kiến thức học được về hệ thống giao dịch qua những lần tham gia đoàn của ông Lê Văn Châu đi tìm hiểu tại các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Nghĩ lại thấy dũng cảm vì vừa học, vừa làm, vừa kiếm thầy học hỏi nhưng lại vừa phải đóng vai trò người giải thích khi có ai đấy muốn hiểu rõ hơn về thị trường chứng khoán", ông Hưng hồi tưởng.
Nếu so sánh với giá trị giao dịch trung bình 10.000 tỷ đồng mỗi phiên hiện nay, thanh khoản thị trường hồi đó không bằng con số lẻ. Việc lấy nguồn thu từ đâu để tồn tại cũng là băn khoăn và nỗ lực của cả tập thể.
Qua được giai đoạn khởi đầu gian nan 2000-2004, với cơ chế linh động hơn, chứng khoán bùng nổ khi Việt Nam gia nhập WTO tạo cơ hội cho SSI thực hiện bước nhảy lớn. Đến cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, công ty vẫn trụ lại khi nhiều công ty chứng khoán khác chọn cách rút lui, nhà đầu tư rời khỏi thị trường.
Một thập kỷ tiếp theo là chặng đường SSI khẳng định vị thế. Thị trường dần phục hồi, dòng tiền trở lại với kênh chứng khoán. Cuối quý III năm nay, công ty có tổng tài sản gần 27.000 tỷ đồng với vốn điều lệ hơn 6.000 tỷ, là một trong những công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường. SSI cũng là công ty nội hiếm hoi có thể cạnh tranh sòng phằng với các công ty chứng khoán được hậu thuẫn bởi các tập đoàn tài chính Đài Loan hay Hàn Quốc.
![polyad](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2020/12/16/352-1608016711-5194-1608089097.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r1XTJkTQfDhacroODCRXcw)
Trụ sở chính của SSI tại TP HCM.
Cạnh tranh bằng sự khác biệt
Khi vị thế của chứng khoán dần định hình, bài toán tiếp theo mà các doanh nghiệp phải đối mặt là áp lực cạnh tranh, đặc biệt là sức nóng gia tăng khi có sự xuất hiện của các công ty chứng khoán có vốn ngoại. Những chương trình miễn phí giao dịch, hạ lãi suất margin đang đẩy các công ty chứng khoán vào cuộc đua mới , thế nhưng với SSI, công ty lại nằm ngoài làn sóng này
Những nhà đầu tư song hành với SSI từ những ngày đầu đều có thể nhận ra điều ấn tượng ở SSI nằm ở chất lượng của tư vấn, những đánh giá về thị trường và sự ổn định.
Với SSI, việc cạnh tranh bằng các ưu đãi trong ngắn hạn có thể lôi kéo được một bộ phận nhà đầu tư, nhưng về lâu dài, mọi người sẽ vẫn hướng tới những vấn đề cốt lõi là chất lượng dịch vụ và uy tín. "Bởi vậy, công ty chọn hướng cạnh tranh bằng các sản phẩm mới, đồng thời cũng đặt mục tiêu thay đổi hệ thống hỗ trợ, chuẩn hóa đội ngũ môi giới", đại diện SSI cho biết.
Trong nhiều chia sẻ trước đó, người đứng đầu SSI cũng khẳng định, Điều quan trọng của một thị trường lành mạnh là khả năng huy động vốn cho nền kinh tế, tạo thanh khoản, tạo minh bạch để người dân chủ động đầu tư vào thị trường. Để thực hiện được những mục tiêu trên, chất lượng dịch vụ và uy tín mới là chìa khóa quan trọng.
Không ít đánh giá cho rằng quan điểm này sẽ gây khó khăn cho SSI bởi cạnh tranh từ phí và giá dịch vụ là câu chuyện đang được nhiều công ty áp dụng. "Tuy nhiên, SSI không đặt mình vào các cuộc đua trên thị trường. Phí thấp, tỷ lệ margin cao có thể giữ chân nhà đầu tư trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều một nhà đầu tư cần là lợi nhuận, là hiệu suất đầu tư. Kết quả này không phụ thuộc vào các chính sách ưu đãi mà dựa vào chất lượng của đội ngũ tư vấn, danh mục sản phẩm. Chưa kể, đòn bẩy càng cao song hành với rủi ro càng lớn", đại diện SSI nhấn mạnh.
"Sứ mệnh của SSI là kết nối vốn với cơ hội đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư và tìm kiếm vốn cho các dự án, từ khi thành lập đến nay, đây vẫn là phương châm công ty luôn hướng tới", ông Nguyễn Duy Hưng tổng kết về quá trình gây dựng SSI.
Nhìn lại 20 năm phát triển, từ khái niệm không mấy người biết, chứng khoán hiện đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, thanh khoản trung bình mỗi phiên giao dịch riêng trong một tháng gần đây đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ tài khoản chứng khoán mở mới tháng 11/2020 đạt mốc lịch sử.
Trong chặng đường phát triển của ngành chứng khoán, không chỉ là chiều dài lịch sử mà còn là những dấu mốc của sự phát triển, ít nhiều đều có hình ảnh song hành của SSI
Tính riêng từ 2009 đến nay, SSI đã huy động được gần 12 tỷ USD cho thị trường Việt Nam, trong đó có nhiều thương vụ có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, giúp nâng tầm hình ảnh TTCK Việt Nam. Hàng loạt các Hội thảo tư vấn đầu tư, giới thiệu đầu tư được SSI tổ chức. Công ty cũng tiên phong triển khai các sản phầm tài chính mới, an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ để phổ biến chứng khoán nhiều hơn đến với người dân.
Phong Vân