Quản lý tài chính cá nhân không phải là câu chuyện mới nhưng luôn là vấn đề thu hút, bởi hầu hết mọi người dễ mắc sai lầm trong cách thực hiện hoặc chưa có định hướng rõ ràng cho vấn đề này.
Xu hướng quản lý tài chính cá nhân thay đổi bởi Covid-19
Theo Tiến sĩ Võ Đình Trí, mọi người thường dành nhiều quan tâm cho đầu tư hay tiết kiệm nhưng lại chưa hình thành thói quen theo dõi chi tiêu, không có kế hoạch cụ thể dẫn đến chi tiêu quá đà, vượt định mức. Trong khi đó, không ít người lại tằn tiện trong chi tiêu thay vì tiết kiệm để quản lý tài chính cá nhân.
Để tránh những sai lầm này, chuyên gia cho rằng, mỗi người cần có kế hoạch chi tiêu cụ thể, nên sử dụng công cụ để theo dõi việc thu chi hàng ngày, dựa trên công thức chung áp dụng linh hoạt cho bản thân.
Hai năm qua, Covid-19 đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống, ảnh hưởng đến việc quản lý thu nhập, chi tiêu, đầu tư của hầu hết mọi người. Thói quen tiêu dùng của người dân cũng hướng nhiều đến việc tiết kiệm, hạn chế các chi tiêu không thực sự cần thiết. Dù vậy, theo ông Võ Đình Trí, nguồn thu nhập giảm cũng là cơ hội để mỗi người chủ động tìm kiếm nguồn thu mới.
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Phân khúc Khách hàng - Ngân hàng bán lẻ MSB, cho rằng, Covid-19 gây tổn thất nặng nề tới nền kinh tế nhưng cũng mang lại những bài học ý nghĩa về cách quản lý tài chính cá nhân. Ngoài bảo vệ an toàn sức khỏe cá nhân và gia đình, mỗi người cần quản lý chi tiêu hiệu quả, giảm chi cho những thứ ko cần thiết, xa xỉ. Việc chuẩn bị quỹ dự phòng cũng rất cần thiết để đối phó với những tình huống rủi ro bất ngờ.
Cách quản lý tài chính cá nhân thông minh
Chia sẻ về kinh nghiệm thu chi cá nhân tại tọa đàm "Quản lý tài chính cá nhân thông minh trong bối cảnh bình thường mới" trên VnExpress, bà Loan cho biết, thường phân bổ thu nhập hàng tháng theo nguyên tắc 50% cho nhu cầu thiết yếu, tức là chi phí cố định; 30% cho các nhu cầu giải trí, nâng cao chất lượng cuộc sống; 20% cho đầu tư và tiết kiệm.
"Trước đây chúng ta chi tiêu mua đồ rồi thắt lưng buộc bụng, xu hướng hiện nay là tiết kiệm dần để dự phòng cho tương lai chi cho các khoản lớn. Theo đó, tôi sử dụng các sản phẩm dịch vụ của MSB để tối ưu được các chương trình ưu đãi hoàn tiền khi giao dịch thẻ chi tiêu mua sắm, đi siêu thị, thanh toán hóa đơn...", bà Loan nói tại tọa đàm.
Ngoài ra, bà cũng chuộng hình thức chi tiêu bằng thẻ tín dụng vừa hạn chế tiếp xúc tiền mặt trong thời gian đại dịch, vừa tận hưởng nhiều ưu đãi từ ngân hàng mở thẻ, nhờ đó, tối ưu hóa chi tiêu hàng tháng. "Việc giao dịch qua tài khoản ngân hàng hoặc các phương tiện thanh toán không tiền mặt giúp tôi quản lý được các khoản chi tiết, từ đó phân bổ nguồn tiền khoa học hơn", bà Loan lý giải.
Giải pháp quản lý chi tiêu từ ngân hàng
Đồng tình với ý kiến của bà Loan, ông Trí cho rằng, theo dõi chi tiêu là bước đầu trong việc quản lý tài chính cá nhân, nhất là trong thời điểm mọi thứ đang được thiết lập lại ở trạng thái bình thường mới. Cũng theo chuyên gia, hiện nay, mỗi người có thể thực hiện việc này dễ dàng hơn với các ứng dụng quản lý tài chính hay trên app của ngân hàng.
"Covid làm quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, việc tiết kiệm, đầu tư hay sử dụng các dịch vụ tài chính nói chung ngày càng tiện lợi, hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý nguồn tiền cá nhân", ông Trí khẳng định. Khi việc sử dụng các ứng dụng thành thói quen, khách hàng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng và tạo điều kiện để hình thức này phát triển hơn.
Tối ưu chi tiêu là cần thiết với mọi người, song theo bà Nguyễn Thị Loan, những người có nguồn thu từ lương là đối tượng dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề này. Đây cũng là nhóm khách hàng mà MSB đang hướng tới với các gói giải pháp M-Pro với ưu đãi hoàn tiền đến 3,6 triệu đồng một năm. Bên cạnh đó là các loại thẻ tín dụng hướng đến nhu cầu riêng dành cho từng đối tượng khách hàng như thẻ Visa online, Visa Travel, Visa Signature dining FCB, MasterCard siêu miễn phí...
Phần cuối của tọa đàm, các chuyên gia trực tiếp giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề quản lý tài chính cá nhân, cách tối ưu chi tiêu của độc giả. Trả lời câu hỏi về sự khác biệt trong cách chi tiêu của phụ nữ và đàn ông, bà Loan cho biết, hầu hết, phụ nữ là người chăm lo cho các hoạt động chi tiêu trong gia đình từ ăn uống, giải trí, du lịch, chăm sóc con cái, nhà cửa... Do đó, mỗi khi phát sinh một khoản cần chi, chị em sẽ tính toán kỹ để cân đối với tổng thu nhập. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng sẽ chủ động tạo quỹ dự phòng phục vụ cho các trường hợp cần thiết.
Đồng tình với bà Loan, ông Trí cho rằng, mỗi gia đình sẽ có phương pháp quản lý tài chính cá nhân riêng. Chẳng hạn, ở gia đình tiến sĩ, vấn đề chi tiêu trong nhà sẽ do bà xã đảm nhiệm, trong khi anh lo phần đầu tư. Hai vợ chồng sẽ chia sẻ và trao đổi khi cần thiết để luôn có tiếng nói chung. Cũng theo chuyên gia, ngoài quan tâm đến chi tiêu, mỗi người cần chú ý đến việc gia tăng nguồn thu nhập, có thể từ chính công việc hiện tại hoặc tham gia đầu tư để tiến tới tự do về tài chính.
Huyền Anh