Theo PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thoái hóa khớp là quá trình xảy ra từ từ, lâu dần làm mất đi khả năng chịu lực của bề mặt sụn khớp. Các triệu chứng có thể không xuất hiện rõ ràng cho đến nhiều năm sau đó khiến việc kiểm soát và điều trị chậm trễ, làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
Theo Phó giáo sư Hồng Hoa, về cơ bản, mục đích điều trị thoái hóa khớp là làm chậm quá trình bào mòn sụn khớp. Các biện pháp phòng tránh thoái hóa khớp hướng đến việc giảm thiểu những yếu tố nguy cơ gây nên vấn đề xương khớp. Do vậy, người trẻ nên lắng nghe cơ thể, khi có các dấu hiệu cảnh báo cần đến khám để nắm được tình trạng, tuân thủ điều trị. Bên cạnh đó, điều chỉnh lối sống sao cho khoa học nhất.
Một số cách phòng ngừa thoái hóa khớp mà Phó giáo sư Hồng Hoa gợi ý như sau:
Duy trì cân nặng hợp lý
Người thừa cân hoặc béo phì, dễ bị thoái hóa do các khớp gánh chịu áp lực không đáng có từ cơ thể. Do vậy nên điều chỉnh cân nặng hợp lý để tránh thoái hóa khớp háng, khớp gối, khớp đùi...
Tập thể dục thể thao phù hợp
Tập thể dục mỗi tuần 5 buổi, mỗi buổi 30 phút có thể đem lại nhiều lợi ích như tăng cường sức bền cũng như sức khỏe xương khớp, thuyên giảm tình trạng đau cứng khớp và mỏi mệt. Cải thiện sức mạnh cho các nhóm cơ, nâng cao sức khỏe tổng thể.
Chế độ ăn uống khoa học
Các chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyến khích mọi người, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa khớp nên bổ sung nhiều axit béo omega-3 và vitamin D. Những chất này góp phần giảm thiểu tình trạng viêm khớp, vitamin D có tác dụng giảm đau do thoái hoá khớp đầu gối, đồng thời làm chậm quá trình bào mòn lớp sụn khớp.
Bổ sung tinh chất nuôi dưỡng sụn khớp
Ngoài các chất dinh dưỡng được bổ sung thông qua bữa ăn hàng ngày, mỗi người nên nuôi dưỡng sụn khớp, xương dưới sụn bằng những dưỡng chất chuyên biệt. Một số dưỡng chất tốt cho khớp đã được khoa học nghiên cứu, kiểm chứng bao gồm: Collagen type 2 không biến tính - có khả năng góp phần điều hòa miễn dịch, ức chế viêm, từ đó làm chậm quá trình hư hại của sụn khớp; chiết xuất từ màng vỏ trứng (Eggshell Membrane) chứa những axit amin quan trọng, hỗ trợ tái tạo sụn khớp; chiết xuất từ nghệ (Turmeric Root) có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ bảo vệ dạ dày...
Cẩn thận khi vận động phòng tránh thoái hóa khớp ngay từ đầu
Ngoài nguyên nhân do cơ thể già đi, rất nhiều người bị tổn thương khớp do vận động quá mức. Tổn thương khớp là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy quá trình thoái hóa sớm xảy ra. Do đó, những người đang làm công việc thường xuyên phải khuân vác vật nặng, chơi thể thao chuyên nghiệp... nên nhớ khởi động trước khi tập luyện và làm mát sau khi tập xong; tránh gập đầu gối quá mức hoặc khuỵu gối quá mức khi tiếp đất với các bài tập bật nhảy...
Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định
Nhiều nghiên cứu đã minh chứng, lượng đường trong máu ở mức quá cao sẽ làm tăng tốc độ hình thành các phân tử gây cứng lớp sụn khớp. Kích thích các phản ứng viêm diễn ra và đẩy nhanh quá trình bào mòn sụn khớp. Do đó, mọi người nên kiểm soát tốt lượng đường trong máu để ngăn ngừa thoái hóa khớp sớm.
Duy trì tư thế tốt khi làm việc và học tập
Đi, đứng, ngồi hoặc nằm đúng tư thế có thể giúp giảm thiểu áp lực tác động lên bề mặt sụn khớp, tạo sự cân bằng lực giữa các dây chằng và mô cơ xung quanh. Bên cạnh đó, duy trì tư thế tốt khi vận động còn hạn chế sức ép sinh ra từ tình trạng mất cân đối của cơ thể ảnh hưởng đến khớp, qua đó làm chậm quá trình thoái hóa.
Những bạn trẻ làm việc văn phòng, thường xuyên ngồi một tư thế trong thời gian dài cần thi thoảng đứng lên vận động nhẹ, xen kẽ trong một buổi làm việc.
Ngọc An