Tuổi già không hẳn sức yếu, điều quan trọng là cần tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý, đảm bảo giấc ngủ ngon, tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh sẽ tránh được bệnh. Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ Nguyễn Vũ Linh về cách phòng Covid-19 cho bậc cao niên.
Tuân thủ hướng dẫn phòng Covid-19
Bộ Y tế hướng dẫn cách giảm nguy cơ lây nhiễm virus là vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi ra khỏi nhà hay tiếp xúc với nhiều người, tránh sờ tay chưa được rửa sạch lên vùng mặt, mắt, mũi, miệng vì sẽ khiến virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
Ra khỏi nhà, cần đeo khẩu trang đúng cách, không sờ lên mặt ngoài khẩu trang, không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch, phơi nắng cho khô sau mỗi lần sử dụng. Người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu nên cần hạn chế đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với nguồn có nguy cơ lây nhiễm. Khi ho hoặc hắt hơi nên che kín mũi, miệng bằng khăn tay, khăn giấy, khẩu trang hoặc khuỷu tay để bảo vệ sức khoẻ người xung quanh.
Do dễ bị mầm bệnh tấn công, bậc cao niên cần giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, dùng quạt thay cho điều hòa. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa...
Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn trên để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ cha mẹ cao tuổi.
Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý
Uống đủ nước: cơ thể đủ nước sẽ hỗ trợ hệ bài tiết đào thải các chất cặn bã, giúp cho hệ thống miễn dịch "thảnh thơi" phát hiện và tiêu diệt tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Hệ miễn dịch cần đủ nước mới hoạt động tốt nhất. Ngoài nước lọc, có thể uống nước trái cây và uống sữa để bổ sung vitamin và dưỡng chất cần thiết.
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất: rau xanh và hoa quả tươi là nguồn cung cấp các vitamin và chất khoáng cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu. Vitamin C giúp tăng sản xuất interferon (tiêu diệt virus qua việc ức chế nhân bản) và kháng thể; hỗ trợ tăng sinh các bạch cầu lympho (B, T) trong máu cũng như tăng khả năng - hoạt tính các đại thực bào... Vitamin nhóm B hỗ trợ chuyển hoá chất đường, tổng hợp protein.... Vitamin A giúp xây dựng hàng rào phòng thủ, tái tạo, phục hồi niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu bị tổn thương. Vitamin D để chuyển hoá canxi cho các hoạt động của tế bào. Kẽm để sản xuất các men xúc tác cho nhiều quá trình sinh hóa - chuyển hóa trong cơ thể. I-ốt để sản xuất nội tiết tố tuyến giáp giúp kích thích gia tăng hoạt động của nhiều loại tế bào trong cơ thể...
Do đó, người cao tuổi nên ăn đa dạng thực phẩm, xây dựng khẩu phần hợp lý và lưu ý tăng cường các loại rau xanh, trái cây. Bông cải xanh là một loại rau được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng vì chứa hợp chất flavonoids có tác dụng phòng chống nhiễm trùng, chống oxy hóa, trung hòa các gốc tự do và có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Người cao tuổi nên uống đủ nước, ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung sữa để tăng đề kháng cho cơ thể. |
Cung cấp đủ các chất đạm: hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Người cao tuổi nên đảm bảo đủ lượng chất đạm hàng ngày, ưu tiên lựa chọn các loại chất đạm dễ tiêu hoá, có đầy đủ các acid amin thiếu yếu. Các loại thức ăn giàu đạm tốt là cá béo, sữa, trứng, thịt trắng...
Giấc ngủ sâu
Khi ngủ sâu, các cơ quan trong cơ thể đều giảm hoạt động một cách tự nhiên. Hệ thống miễn dịch bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và hồi phục. Để tăng đề kháng để chống chọi với Covid-19, không chỉ người cao tuổi mà tất cả mọi người cần ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Đặc biệt thời gian vàng để ngủ sâu là từ 22h đêm đến 3h sáng hôm sau, lúc đó cơ thể tập trung nguồn lực để phục hồi, tái tạo hiệu quả và tối ưu các mô tế bào bị tổn thương và lão hóa.
Mỗi đêm, người cao tuổi cần ngủ 7-8 tiếng. Người cao tuổi thường dậy sớm nên thời điểm đi ngủ tốt nhất là khoảng 21 - 22h, giấc ngủ muộn sẽ không đủ thời gian cho cơ thể hồi phục. Phòng ngủ nên yên tĩnh, tắt đèn hoặc ánh sáng nhẹ. Nhiệt độ phòng khoảng 26 - 27 độ C và thoáng khí. Người cao tuổi nên thư giãn nhẹ nhàng, tránh nghĩ đến chuyện phiền muộn để giấc ngủ ngon hơn. Trước khi ngủ 1-2 tiếng không nên ăn no, có thể uống một ly sữa ấm giúp giấc ngủ sâu hơn.
Vận động thường xuyên
Người lớn tuổi thường hay bị mệt mỏi khiến ngại vận động. Đây là dấu hiệu bình thường khi cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hoá. Để năng vận động, đôi khi cần có sự hỗ trợ, động viên từ người bạn đời, bạn bè hoặc từ con cháu. Hai hay nhiều người cùng tập luyện sẽ có thêm động lực và niềm vui. Ngoài tập dưỡng sinh, đi bộ, bậc cao niên có thể tập các môn có cường độ thể lực trung bình thấp như đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông, bơi lội... một cách nhẹ nhàng. Quan trọng là phải lượng sức mình mà luyện tập và không thể sánh với thanh niên được.
Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 - 45 phút sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Thận trọng khi có bệnh mạn tính
Người cao tuổi dễ bị nhiễm virus hơn, đặc biệt khi có các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, huyết áp... Những căn bệnh này khiến các hệ cơ quan giảm chức năng, hệ miễn dịch suy yếu, không đủ khỏe mạnh để phòng, chống lại các mầm bệnh khác.
Phần lớn các ca tử vong do cúm hàng năm chủ yếu là người trên 65 tuổi. Do đó, người bệnh nên lưu ý điều trị tốt bệnh lý đang có. Khi cơ thể có bất kỳ sự thay đổi nào nên báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ quan y tế khám càng sớm càng tốt. Với người có các bệnh mạn tính, việc bổ sung dinh dưỡng tuỳ thuộc vào từng cá thể, từng bệnh lý, nhưng quan trọng là ăn chín, uống sôi, đủ chất theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giữ tinh thần lạc quan và lối sống tích cực
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tâm lý lạc quan hay tình trạng căng thẳng đều có tác động không nhỏ đến hệ miễn dịch của con người, đặc biệt người cao tuổi. Giáo sư tâm lý học Suzanne Segerstrom, Đại học Kentucky (Mỹ) cho biết, khi lạc quan, hệ miễn dịch sẽ mạnh hơn, các tế bào miễn dịch phản ứng hiệu quả đối với các virus hoặc vi trùng xâm nhập.
Nếu e ngại việc du lịch, gặp gỡ bạn bè trong thời điểm này, người cao tuổi có thể nấu ăn, chăm sóc cây cối, tiếp xúc với thiên nhiên giúp tâm hồn thư thái. Chơi đùa với con cháu hay xem các chương trình giải trí trên tivi, đọc sách cũng giúp tinh thần thoải mái.
Người lớn tuổi không nên để mình rơi vào cảm giác cô độc giữa một gia đình đông đủ, nên thường xuyên trò chuyện với người thân để chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ. Con cháu cũng nên quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của bố mẹ để các cụ lạc quan, yêu đời, miễn nhiễm với nhiều bệnh.
Tính đến ngày 24/2, số người chết do Covid-19 trên thế giới là 2.619 người, tổng số người nhiễm bệnh trên toàn cầu là 79.561, 25.028 người đã được chữa khỏi. Việt Nam có 16 ca nhiễm, trong đó 15 người đã khỏi, không có trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Linh
Sữa Vinamilk Sure Prevent bổ sung vitamin A, C, D, selen và kẽm cùng chiết xuất tự nhiên từ mầm bông cải xanh giàu Glucoraphanin giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng và sống khỏe mỗi ngày cho người cao tuổi.