Ở tuổi lục tuần, tỷ lệ mắc Alzheimer là 1-2%. |
Alzheimer đứng hàng đầu (chiếm 50-60%) trong các căn nguyên gây mất trí hiện nay. Từ tuổi 60, cứ sau 5 năm, tỷ lệ người mắc bệnh này lại tăng lên gấp đôi (1% ở tuổi 60-64; 2% ở tuổi 65-69... và 30-40% ở người trên 85 tuổi).
Người bệnh Alzheimer thường có các biểu hiện sau:
1. Suy giảm trí nhớ: Đây là triệu chứng sớm, đặc trưng và nổi bật; thường xuất hiện từ từ, thầm lặng và tiến triển ngày càng nặng. Lúc đầu, bệnh nhân khó ghi nhận các thông tin mới, quên các sự kiện diễn vài tháng, vài ngày, rồi vài giờ, vài phút trước đó. Tiếp đến, bệnh nhân quên các kiến thức, thao tác nghề nghiệp đã học được, rồi dần quên tên bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, con cháu... Tuy nhiên, các sự kiện liên quan đến kỷ niệm bản thân, cái đã học từ thời thơ ấu (đọc, viết, tính toán...) vẫn duy trì được cho đến gần giai đoạn cuối của bệnh.
Có thể do quên nên khi nói chuyện với thầy thuốc, bệnh nhân thường có biểu hiện quay đầu lại nhìn người thân sau mỗi câu hỏi của bác sĩ, cười trừ không trả lời, tránh né các chủ đề mà mình quên hoặc là bịa ra các chi tiết khác...
2. Suy giảm các khả năng hoạt động nhận thức khác:
- Vong ngôn: Lặp từ, lời nói mơ hồ, khó khăn trong việc tìm từ và gọi tên đồ vật; khi nặng có thể mất khả năng nhận biết và đáp ứng bằng ngôn ngữ.
- Vong tri: Giảm hoặc mất khả năng nhận ra và gọi tên đồ vật cũng như các đối tượng quen thuộc, mặc dù các giác quan và cơ quan cảm giác không bị tổn thương.
- Vong hành: Mất khả năng điều hành vận động mặc dù các cơ quan vận động không bị tổn thương. Bệnh nhân không làm được các thao tác trong công việc nội trợ hằng ngày, không vẽ lại được một hình vẽ theo yêu cầu, khó khăn trong việc mặc quần áo, đi giày, chải tóc...
- Giảm khả năng tư duy trừu tượng, khả năng sáng tạo, lập kế hoạch hành động; mất khả năng phối hợp, điều hành các hoạt động phức tạp trong cuộc sống hằng ngày.
3. Một số triệu chứng khác:
- Loạn thần: Gặp ở 25-30% trường hợp, biểu hiện chủ yếu là hoang tưởng (hoang tưởng bị thiệt hại, hoang tưởng ghen tuông; tri giác sai thực tại). Bệnh nhân thấy như có người lạ đang ở trong nhà mình, không nhận ra mình trong gương.
- Rối loạn cảm xúc: Trầm cảm (gặp ở 25% bệnh nhân), bàng quan hoặc dễ bị kích thích cáu giận, hay kêu khóc ban đêm...
- Rối loạn hành vi: Thô bạo đối với người khác, cóp nhặt những thứ bẩn thỉu, có hành vi thù địch với người thân; sau đó có các biểu hiện kích động, đi lang thang.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ bị rối loạn chu kỳ thức ngủ, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh, dáng điệu đờ đẫn, hay nằm một chỗ với tư thế như thai nhi...
ThS Nguyễn Kim Việt, Sức Khỏe & Đời Sống