- Những tuyến đường mà Sở Giao thông công chính chọn để phân luồng dựa trên nguyên tắc nào?
- Đây là những tuyến có mật độ giao thông cao, nhiều điểm giao cắt, đặc biệt là các ngã tư hay xung đột, tai nạn giao thông và tín hiệu đèn không phát huy tác dụng. Thậm chí khi nâng chu kỳ tín hiệu đèn lên 90 giây cũng chỉ giải quyết được một lượng rất nhỏ người đi qua nút giao thông đó.
Muốn làm một nút giao thông hiện đại, thuận tiện như nút Kim Liên phải mất hơn 3 năm với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên tắc thí điểm phân luồng lần này là tận dụng khả năng hiện có của mặt bằng để phân luồng, dùng biện pháp cưỡng bức một số dòng xung đột (đóng giao cắt ngã tư), tạo ra các dòng rẽ trái, phải hợp lý ở một vị trí thích hợp.
Điển hình như nút An Dương, chúng tôi đã tạo ra dòng rẽ trái tận dụng dải phân cách ở giữa cho các phương tiện rẽ trái, kết hợp với điều chỉnh lại tín hiệu giao thông.
Ông Thạch Như Sỹ. Ảnh: Xuân Tùng. |
- Phương án phân luồng mới phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?
- Khi dòng giao thông xoắn, 5 -7 chu kỳ đèn mà người tham gia giao thông không đi qua được thì các phương tiện chuyển động xa hơn và tạo ra vòng xoáy sẽ tốt hơn. Qua bấm đồng hồ, thời gian đi qua giao cắt này nhanh hơn trước rất nhiều.
Vì các tuyến phố phân làn là các tuyến chính cho nên chúng tôi cũng cân nhắc khi xén các dải phân cách sẽ không tạo cho người tham gia giao thông bị ức chế khi quay đầu xe. Các ngã tư, ba bị chắn lại nhưng người đi bộ vẫn lưu thông được.
Trên các nút này, đèn tín hiệu vẫn hoạt động nhưng được điều chỉnh cho phù hợp. Dòng phương tiện đi thẳng khoảng 3 phút sau đó dừng lại để các phương tiện giảm tốc độ, tránh lao quá nhanh vào các nút khác gây ùn ứ và đặt đèn đỏ 30-40 giây cho người đi bộ sang đường.
Hiện có 3 tuyến đường chúng tôi đánh giá tương đối thành công, đó là Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Nguyễn Trãi và Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.
- Tại những tuyến ông cho là thành công, người dân vẫn phàn nàn về việc thiếu điểm sang đường cho người đi bộ, hệ thống tín hiệu đèn giao thông hoạt động không đồng bộ... Ông giải thích thế nào?
- Trong vài ngày đầu, người đi bộ có gặp khó khăn nhưng sau đó chúng tôi đã làm chỗ cho người đi bộ. Thậm chí, đường Láng chúng tôi thiết kế rất nhiều làn đường và cầu vượt. Tuy nhiên, để làm việc này một cách căn cơ cần thời gian và kinh phí. Những việc chúng tôi đang làm chưa được cấp kinh phí. Thanh tra Sở Giao thông vận tải phải ứng tiền để làm các hàng rào mềm.
Đúng là hệ thống tín hiệu đèn không đồng bộ, nên phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên theo tôi, ý thức của người tham gia giao thông mới quyết định. Đèn đỏ là để cho người đi bộ, nhưng xe máy, ôtô vẫn ào đi. Cho nên mọi người tham gia giao thông phải chấp hành việc này thì mới có giá trị.
Nút Kim Mã - Ngọc Khánh sau khi được phân làn. Ảnh: Xuân Tùng. |
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc rào các nút ngã ba, tư cũ chỉ phát huy tác dụng ở những tuyến đường có dải phân cách rộng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Mơ ước của chúng tôi vẫn là các đường khác mức, nút giao cắt khác mức như Kim Liên - Đại Cồ Việt. Còn cách phân làn hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện các thủ tục nên cũng chưa được như ý muốn.
Ví dụ nút đường Láng mật độ tham gia giao thông cao cần phải làm cầu đi bộ cho người sang đường. Hay như khi xẻ các dải phân cách có chỗ chưa được mỹ quan lắm... tất cả đều cần có thời gian.
- Với cách tổ chức giao thông như hiện nay, trong trường hợp trời mưa hoặc lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến, khả năng ùn tắc sẽ được dự đoán ra sao?
- Bất cứ một giải pháp nào cũng có thời điểm và tính ứng dụng. Chưa có ai dám khẳng định, cách tổ chức giao thông hay thiết kế tòa nhà mang tính chất vĩnh viễn. Cầu Thăng Long ngày xưa ai cũng bảo sao thiết kế to thế, lãng phí hay đường Đại Cồ Việt rộng thênh thang chẳng mấy người đi nhưng bây giờ cũng đang quá nhỏ bé với người tham gia giao thông. Hà Nội ngày xưa 36 phố phường đã quá rộng nhưng bây giờ cả Hà Tây nhập vào vẫn bé. Cho nên mỗi giải pháp đều mang tính thời điểm.
Trong điều kiện tiền ít, chúng tôi mang trí tuệ và công sức để đóng góp. Toàn bộ kinh phí bỏ ra để tổ chức lại các nút giao thông lần này không bằng tiền hạ ngầm một tuyến cáp. Còn để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông một cách căn cơ cần khối lượng tiền nhiều hơn để mở rộng đường vành đai, mặt cắt đường, làm nút giao thông hai ba tầng....
- Việc ùn tắc giao thông từ nhiều năm nay luôn là vấn đề nóng và liên quan đến nhiều người. Khi đưa một sáng kiến mới vào phân làn, Sở đã lường trước những áp lực nào?
- Một cách làm mới, phương pháp mới không phải dễ gì được chấp nhận ngay. Khi lợi ích được đảm bảo thì được ca ngợi và ngược lại.
Người đang tham gia giao thông vào giờ cao điểm tránh được ùn tắc sẽ rất phấn khởi. Nhưng giờ thấp điểm, người ta bảo cách làm đó đi quá lòng vòng... Lợi ích rõ ràng có những lúc không đồng nhất, nhưng cách chúng tôi tổ chức là phục vụ số đông, chống ùn tắc.
Một vườn hoa đang đẹp thế tự dưng xén đi, phải làm một việc như vậy chúng tôi cũng trăn trở lắm. Nếu không thành công sẽ gây lãng phí nhưng nếu thành công thì khác. Đó là những áp lực rất lớn đối với những người thực hiện.
Xuân Tùng