- Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa cho chặn một loạt ngã tư, điểm giao cắt để phân luồng, hạn chế ùn tắc giao thông. Dưới con mắt của một chuyên gia ông nhìn nhận việc này thế nào?
- Đóng các ngã tư để bắt các phương tiện đi thẳng và rẽ ở giữa nút là phương pháp truyền thống đã áp dụng ở nhiều nước. Trường hợp ở Hà Nội hiện nay, cách Sở Giao thông đang làm tương đối phù hợp với dòng giao thông xe máy, vì bán kính quay đầu hẹp, đến nút giao cắt thì chạy lên một đoạn rồi chuyển hướng, quay đầu dễ dàng.
Đối với ôtô, đặc biệt là xe buýt đây là vấn đề lớn vì lòng đường hẹp. Việc mở các dải phân cách ở giữa khi chuyển hướng sẽ chiếm dụng lòng đường đối diện một diện tích lớn, gây cản trở đối với dòng xe đang lưu thông. Nếu trong giờ cao điểm xung đột này cũng là nguyên nhân để gây ùn tắc.
Quan sát mấy ngày vừa qua, tôi thấy cách làm của Sở Giao thông vận tải tỏ ra có hiệu quả ban đầu, đặc biệt một số nút giao xảy ra ùn tắc thường xuyên. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ môi trường thì đây không phải là giải pháp tốt, vì kéo dài đường đi của phương tiện làm tiêu tốn nhiên liệu và gây khí thải nhiều hơn.
Ở nước ngoài, khi áp dụng phương pháp này thì chỉ dẫn giao thông phải rất tố,t từ việc phân làn, rẽ, quay đầu xe.... và luôn có phần đường dành riêng cho mỗi hướng. Với chúng ta trong điều kiện lòng đường hẹp như hiện nay thì nhiều điểm chưa tổ chức được làn dành riêng cho các phương tiện rẽ, nhiều nút mới mở ở những đoạn có dải phân cách hẹp chỉ có thể phục vụ xe máy. Việc hỗ trợ người đi bộ cũng sẽ tốn kém hơn.
Tôi thấy nỗ lực của Sở Giao thông đáng khen ngợi. Vì nếu không dám quyết định, chịu trách nhiệm thì họ sẽ không thí điểm như thế. Theo tôi, giải pháp này tương đối rẻ tiền và nên được xem xét và áp dụng thêm các giải pháp khác.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng. Ảnh: Xuân Tùng. |
- Xưa nay khi đánh giá về ùn tắc giao thông người ta thường đổ cho rất nhiều nguyên nhân. Qua việc Sở Giao thông vận tải đang làm có thể thấy cách thức tổ chức giao thông mới là quan trọng?
- Hoàn toàn đúng. Tổ chức giao thông là một nhóm giải pháp trong chiến lược phát triển giao thông. Rõ ràng không nhất thiết cứ phải mở rộng đường, làm cầu vượt... thì mới tránh được ùn tắc.
Việc tổ chức giao thông luôn là giải pháp hữu hiệu và cơ bản để tránh ùn tắc giao thông. Tất nhiên, cần phải có giải pháp dài hơi, mang tính rộng lớn hơn. Nếu bây giờ hạn chế được xe con, tôi khẳng định ùn tắc giao thông còn giảm nữa.
- Vì sao ông khẳng định điều này?
- Chúng ta phải dùng từ kiểm soát sử dụng thì đúng hơn. Phải nói thẳng là ôtô con chiếm đường nhiều nhất. Ôtô con trông có vẻ văn minh, đúng luật, nhưng ùn tắc giao thông hiện nay chủ yếu do nó gây ra. Ôtô con khi chuyển hướng tại nút cũng chậm hơn và không linh hoạt bằng xe máy.
Giải pháp mà Sở Giao thông đang áp dụng cũng chỉ hiệu quả được 6 tháng đến 1 năm là cùng. Với điều kiện giao thông hiện nay, chắc chắn sẽ tắc đường nghiêm trọng hơn nếu không hạn chế xe con.
Theo TS. Hùng biện pháp Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang tiến hành chỉ có hiệu quả trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Ảnh: Xuân Tùng. |
- Lý do nào ông khẳng định cách thức trên chỉ phát huy hiệu quả trong vòng 6 tháng đến 1 năm?
- Việc thành công ban đầu trước tiên là có mặt cảnh sát giao thông hướng dẫn và cưỡng chế. Khi cảnh sát rút đi, tôi không chắc duy trì được bao lâu. Tác động tiêu cực của việc quay đầu tại các điểm mở sẽ dần điều khiển hành vi của người lái xe. Khi ấy thói quen cũng trở lại và sẽ lại tắc đường như thường.
Người Việt hay e dè với cái mới nên trước cái mới họ ứng xử rất văn minh, nhưng khi quen rồi thì lại trở lại thói quen hằng ngày.
- Vậy theo ông đâu là "chìa khóa" thực sự để giải quyết ùn tắc giao thông của Hà Nội?
- Trong ngắn hạn phải tổ chức nhiều nút giao thông khác nhau. Đóng nút giao thông như cách đang làm là một trong rất nhiều giải pháp. Trong trung hạn thì phải hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ôtô con như tôi đã đề cập, sau đó là xe máy.
Còn về lâu dài thì phải hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân bằng cách tác động vào hành vi sử dụng. Chỉ cho họ kinh nghiệm chuyến đi nào nên sử dụng xe con chuyến đi nào không nên sử dụng.
Xuân Tùng