Tiến sĩ Vũ Thị Tần, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thủy tinh thông thường chứa oxit của silic, canxi và natri. Thủy tinh chịu nhiệt thường chứa thêm hợp chất của boron, thường gọi là borosilicate. Khi mua hộp đựng thức ăn, khay nướng đồ ăn, khay trữ đông, khay hâm nóng thức ăn, nên chọn loại thủy tinh borosilicate.
Ngày nay các công ty sản xuất đồ thủy tinh có thương hiệu sẽ không cho chì vào thủy tinh, thậm chí nhà sản xuất còn dán nhãn thủy tinh không chứa chì (free of lead) để người tiêu dùng yên tâm.
Tuy nhiên vẫn có thể có lượng ít do bị lẫn trong tạp chất đầu vào. Một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không thương hiệu, sản xuất hàng nhái, không kiểm soát có thể họ vẫn cho chì vào. Chì có hại cho sức khỏe con người, đặc biệt trẻ nhỏ.
Có ba nguyên nhân người ta cho chì (dưới dạng oxit PbO) vào thủy tinh. Đầu tiên để tăng tính thẩm mỹ, bởi oxit chì làm tăng chiết suất của thủy tinh, khiến thủy tinh lấp lánh và trông sáng hơn. Giá thành sản xuất rẻ hơn do thủy tinh chì có nhiệt độ nóng chảy thấp, giúp giảm giá thành và sản xuất nhanh hơn. Thủy tinh chì mềm hơn và dễ cắt hơn thủy tinh thông thường, đồng thời dễ tạo khuôn hơn.
Để tránh mua hoặc sử dụng các loại thủy tinh chứa chì không đảm bảo sức khỏe, có bốn cách phân biệt.
Thứ nhất, ngâm đồ thủy tinh với giấm trong vòng 6-12 tiếng. Dùng que thử chì 3M (có đầu bông tẩm chỉ thị), nếu đầu bông biến màu thì có chứa chì.
Thứ hai, thủy tinh chứa chì thường rất mỏng, nhưng khá nặng, màu sắc sáng trong rõ nét.
Thứ ba, nếu trong nhà có đèn UV thì mang ra soi, dưới ánh sáng của tia UV mà thủy tinh đổi màu tím/xanh là có chì.
Thứ tư, gõ thủy tinh mà kêu vang như gõ kim loại thường chứa chì.
Ngoài ra, để đảm bảo đồ thủy tinh an toàn trước khi sử dụng, bạn hãy thực hiện nhiệm vụ đơn giản: Đổ đầy giấm trắng vào bên trong đồ thủy tinh và để yên trong 24 giờ. Rửa sạch trước khi sử dụng.
Phần lớn các phân tử oxit chì (nếu có) sẽ ngấm vào dung dịch có tính axit, khiến các lớp pha lê trên cùng hầu như không còn chì nữa.
Phan Dương