Năm 1998, tại Indiana, Mỹ, Kristine Barnett cùng chồng chào đón con trai thứ ba, đặt tên là Jacob Barnett. 14 tháng tuổi, Jacob ngừng giao tiếp với mọi người. Năm 2 tuổi, cậu bé được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ Asperger, phải tham gia điều trị chuyên sâu với các nhà tâm lý 60 giờ một tuần.
Sau một năm trị liệu, tình hình của Jacob vẫn không tiến triển. Các nhà tâm lý khuyên Kristine từ bỏ hy vọng, nhưng ngược lại bà quyết định tự nuôi dạy Jacob tại nhà. Từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Kristine chọn cách phát triển sở thích của con. Bà đặt niềm tin tuyệt đối ở Jacob, cho phép con khám phá lĩnh vực yêu thích và tự do vui chơi như bạn bè đồng trang lứa.
Nhờ phương pháp giáo dục của mẹ, năm 11 tuổi, Jacob được nhận vào Đại học Indiana (Mỹ). Các nghiên cứu về lý thuyết tương đối của Jacob đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới thiên văn học. Chỉ số IQ của em đạt khoảng 170 điểm, cao hơn cả Albert Einstein. Jacob Barnett hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý lý thuyết Perimeter ở thành phố Waterloo (bang Ontario, Canada), nơi nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking từng theo học.
Kristine Barnett đã đúc kết những kinh nghiệm nuôi dạy con, để các phụ huynh tham khảo.
1. Thiên tài phổ biến hơn bạn nghĩ
Kristine cho rằng mỗi đứa trẻ đều là thiên tài và cha mẹ nên để con theo đuổi đam mê của mình. Nếu trẻ có cả ưu và nhược điểm, cha mẹ nên quan sát, đánh giá và tập trung phát huy ưu điểm của con. Nhiều phụ huynh hiện nay thuê gia sư với số tiền khổng lồ để giúp con học tốt hơn môn Toán, nhưng lại không nghĩ đến việc con thích môn tiếng Anh hay Âm nhạc. Đối với Kristine, không thiên tài nào có thể xuất hiện nếu cha mẹ chỉ tập trung phát huy điều họ muốn ở trẻ.
2. Đừng trở thành "cha mẹ hổ"
Thuật ngữ "cha mẹ hổ" dùng để chỉ những phụ huynh đòi hỏi con cái phải đạt kỳ vọng bằng phương pháp học tập khổ luyện, khắc nghiệt. Kristine suýt trở thành mẫu cha mẹ như vậy khi thôi thúc Jacob làm việc với các bác sĩ tâm lý hàng giờ liền mỗi ngày. Kết quả đổi lại Jacob ngày một mệt mỏi và thời gian chơi của em bị rút ngắn. Sau một năm điều trị, tình hình của Jacob không tiến triển, thậm chí tồi tệ hơn.
Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong đầu Kristine. Bà quyết định không thể để tuổi thơ của con trai trôi đi một cách lãng phí như vậy và bắt đầu dành thời gian đưa Jacob đi du lịch, đến thăm hội thảo hoặc bảo tàng thiên văn học. Dần dần, Jacob bắt đầu mở lòng, giao tiếp nhiều hơn với mọi người.
"Tôi muốn làm điều mà mọi phụ huynh cho là hiển nhiên nhưng cha mẹ của trẻ tài năng lại phớt lờ, đó là để con tận hưởng tuổi thơ bình thường", Kristine nói.
3. Áp lực về sự hoàn hảo
Muốn con cái trở nên xuất sắc, nhiều phụ huynh đăng ký cho con những khóa học khác nhau về nhảy múa, âm nhạc, thể thao, ngoại ngữ... Nhưng thực sự, trẻ có thích những môn học này không và chúng nổi trội trong lĩnh vực nào? Kristine nhận ra con trai đam mê với bộ môn thiên văn học nên đã cho con theo đuổi lĩnh vực này. Từ đó, bà tin rằng nếu trẻ được dành nhiều thời gian cho việc chúng muốn làm, chúng sẽ đạt được nhiều thành tựu xuất sắc.
4. Nói không với ý kiến của mọi người xung quanh
Có bao nhiêu bậc phụ huynh thường bị lung lay khi mọi người xung quanh khuyên nên làm điều này làm điều kia để tốt cho trẻ? Chỉ cha mẹ mới là người hiểu rõ con cái của mình. Một nhà giáo dục từng khuyên Jacob nên mang các tấm thẻ học chữ bên người vì em được chẩn đoán mắc chứng khó đọc, nhưng giáo viên lại cấm hành động này vì sợ gây xao nhãng.
Kristine biết Jacob yêu thích những tấm thẻ học chữ nên từ chối yêu cầu của giáo viên. Cuối cùng, nhờ những bài học sáng tạo và thẻ học chữ cái, Jacob đã có thể đọc trôi chảy. Qua câu chuyện này, bà muốn nhắn nhủ phụ huynh nên tin vào bản năng của mình, đừng để chuyên gia hay mọi người xung quanh dạy con thay bạn.
5. Làm thế nào để tránh cơn giận
Trẻ tài năng thường hay nổi giận vô cớ và làm cha mẹ đau đầu. Cha mẹ hãy thử đặt góc nhìn là trẻ để hiểu chúng thực sự muốn gì. Cơn giận ở trẻ tài năng là dấu hiệu của sự thất vọng khi phải làm điều không muốn hoặc thừa khả năng thực hiện. Vì vậy, đừng áp đặt phương pháp học tập của bạn lên trẻ và để chúng học tập ở đúng trình độ của mình.
6. Giáo dục linh hoạt
Nhiều cha mẹ sẵn sàng dốc toàn bộ hầu bao để con theo học những ngôi trường đắt tiền nhất, trải nghiệm phương pháp giáo dục tân tiến nhất, nhưng thành tích của con cái họ vẫn giậm chân tại chỗ. Điều này khiến nhiều phụ huynh giận dữ, thất vọng.
Thực tế, phần lớn việc nuôi dạy con cái là thử nghiệm và nhận ra sai lầm. Sau những thử nghiệm thất bại, phụ huynh không nên căng thẳng mà hãy linh hoạt thay đổi phương pháp giáo dục. Đồng thời, cha mẹ nên hiểu rõ về điểm mạnh, điểm yếu của trẻ, về những điều trẻ muốn và không muốn làm để từ đó tìm được phương pháp giáo dục phù hợp.
7. Khuyến khích trải nghiệm thông qua các giác quan
Trải nghiệm cuộc sống thông qua các giác quan là cách học tập sinh động nhất, nhưng ngày nay mọi người quá bận rộn để dành thời gian ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Thành công được đo lường bằng số tiền kiếm được mỗi ngày rồi dần dần con người quên mất việc trải nghiệm thế giới, tách mình khỏi thiên nhiên và trên đà trở thành robot.
Steve Jobs có một vườn mai, nơi ông được hòa mình và đắm chìm với thiên nhiên. Từ Steve Jobs, Kristine nhận thấy việc sử dụng các giác quan để học tập là vô cùng hữu ích đối với trẻ. Bà đưa con đi du lịch, không hề la mắng khi Jacob mang cát vào nhà chơi.
"Tôi không quan tâm nếp sống gia đình bị thay đổi hay nhà cửa không sạch sẽ", Kristine nói và cho biết muốn thấy con trai kết nối với môi trường sống của chính mình. Những trải nghiệm sinh động với thế giới tự nhiên đã thôi thúc Jacob nghiên cứu sâu hơn về vật lý và thiên văn học.
Tú Anh (Theo Working Mother, The Globe and Mail)