Bố mẹ của hai đứa trẻ sẽ về nhà vào cuối giờ chiều. Trong thời gian này chúng có thể đi chơi với bạn bè ở mọi nơi trong thành phố Stavanger. Yêu cầu duy nhất của bố mẹ là không sử dụng thiết bị điện tử cho đến khi hoàn thành mọi việc.
Nila chỉ mới 10 tuổi và em trai Arion 8 tuổi nhưng chúng có cuộc sống như người lớn, không cần sự chăm sóc hay giám sát đặc biệt của bố mẹ trong nhiều năm. Giống như những đứa trẻ khác ở Na Uy, hai chị em tự đi bộ đến trường và về nhà từ năm 6 tuổi. Chúng cũng được bố mẹ giao chìa khóa nhà.
Trong sinh nhật lần thứ 8, Nila được bố mẹ tặng một con dao chế biến món ăn. Hiện cô bé có thể sử dụng dao thuần thục và nhận trách nhiệm nấu một bữa tối cho gia đình trong tuần.
Ông Giancarlo Napoli (bố của Nila và Arion) nói tất cả các phụ huynh ở Na Uy đều nuôi dạy con theo cách này. Đây là phương pháp nhấn mạnh vào sự tự do, độc lập, tự quyết và trách nhiệm của mỗi đứa trẻ.
Giancarlo kể về một bạn học của Nila, dù gia đình chuyển đến thị trấn khác vài năm trước những cô bé không đổi trường. Hàng ngày đứa trẻ sẽ đi bộ 20 phút từ nhà đến ga tàu, ngồi trên tàu thêm 20 phút và tiếp tục đi bộ 20 phút từ ga đến trường.
"Đứa trẻ ấy phải đi tự đi học và về nhà mỗi ngày nhưng không ai trong chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên hay lo lắng", Giancarlo nói.
Na Uy xếp thứ 7 trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới. Nước này cũng có GDP cao thứ 10 thế giới và là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất toàn cầu.
Nhưng trên hết, phong cách nuôi dạy con cái tự lập sớm đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Có bằng chứng cho thấy trẻ em Viking từ thế kỷ 9 đã được nuôi dạy theo cách: Được đối xử như người lớn và được kỳ vọng tham gia vào mọi công việc trong khả năng.
Willy-Tore Mørch, giáo sư danh dự về sức khỏe tâm thần trẻ em tại Đại học Tromsø cho biết phương thức nuôi dạy này có thể bắt nguồn từ Thế chiến 2 khi phần lớn cơ sở hạ tầng của đất nước bị tàn phá. Giới chức bấy giờ tin rằng tất cả người dân Na Uy nên đóng góp vào quá trình tái thiết, bao gồm cả trẻ em. Những đứa trẻ được kỳ vọng phải mạnh mẽ, cứng rắn, được đào tạo để trở nên độc lập và trung thành.
"Hầu hết các bậc cha mẹ ngày nay có thể không biết lịch sử này nhưng việc xây dựng lòng tin giữa phụ huynh và con cái có thể bắt nguồn từ đây", giáo sư Mørch nói.
Nhưng vẫn còn có những lý do khác để giải thích cho phương pháp nuôi dạy con tại Na Uy.
Mette Tveit, nhà sử học tại Bảo tàng Stavanger, cho biết hầu hết phụ nữ Na Uy đều đi làm. Tỷ lệ nam nữ trong độ tuổi lao động đang làm việc lần lượt là 73% và 67%. Điều này khiến dịch vụ chăm sóc trẻ em trở nên phổ biến với mức phí phải chăng. Như học phí mẫu giáo 10 giờ mỗi ngày và tuần 5 buổi được giới hạn ở mức 2.000 NOK (4,6 triệu đồng) mỗi tháng.
Theo quan sát của bản thân, Tveit nói trẻ em ở Na Uy độc lập đến mức có thể tự tổ chức các buổi chơi với bạn bè.
"Tôi từng thấy các phụ huynh ở Mỹ đảm nhận việc này. Nhưng ở Na Uy những trẻ nhỏ có thể tự tổ chức sự kiện và quản lý thời gian rảnh rỗi của mình", cô nói.
Trong các kỳ nghỉ, bố mẹ sẽ để Nila và Arion ra ngoài cả ngày, miễn là họ biết chính xác thời gian hai đứa trẻ sẽ về - điều hai chị em luôn tuân thủ.
Việc đối mặt với thất bại cũng là một phần trong phong cách nuôi dạy con cái. Trẻ nhỏ ở Na Uy được phép mắc lỗi nhưng cần rút ra bài học cho bản thân, ví dụ có thể trèo cây nhưng phải chấp nhận việc bị ngã và chấn thương.
Những biện pháp đảm bảo an toàn mà phụ huynh các nước khác lắp đặt trong nhà cũng vắng bóng ở Na Uy. Giancarlo nói hầu hết các gia đình ở Na Uy không có thanh chắn bảo vệ quanh lò sưởi, hay đặt tấm chắn cầu thang.
"Thay vì lắp tấm chắn an toàn ở đầu cầu thang, chúng tôi chỉ nhắc bọn trẻ 'không được đi xuống đó' hoặc cảnh báo 'đừng chạm vào lò, chúng rất nóng'", ông bố hai con kể.
Andy Welch, biên tập viên ở Anh, ủng hộ việc nuôi dạy một đứa trẻ mạnh mẽ, thích hoạt động ngoài trời và có thể tự nấu ăn như ở Na Uy. Nhưng cô cũng không hy vọng đứa con 5 tuổi sẽ về khoe mẹ kỹ năng gọt gỗ và dùng dao ở trường mầm non như những đứa trẻ ở thành phố Stavanger.
Justine Roberts, CEO của Mumsnet, nói sự lo lắng của các phụ huynh Anh khi cho trẻ nhỏ tự chơi một mình bắt đầu từ những năm 90, khi những tin tức về mối đe dọa từ kẻ ấu dâm, tội phạm bạo lực và tai nạn giao thông phổ biến.
Bên cạnh đó, bà Justine cũng cho rằng chìa khóa để mô hình nuôi con ở Na Uy thành công, đặc biệt là Stavanger là việc số lượng các trường mẫu giáo và trường học nằm ở mỗi khu phố. Điều này đồng nghĩa với việc dù trẻ em phải đi học một mình nhưng quãng đường tương đối ngắn.
"Tỷ lệ tội phạm thấp ở Na Uy cũng là lợi thế. Chúng tôi tin tưởng vào người khác nhưng không ngây thơ. Tất cả các đứa trẻ ở đây đều được dạy không đi với người lạ và tham gia giao thông an toàn", bà Justine nói.
Với hầu hết người Na Uy để trẻ tự do phát triển là lối sống, nhưng chúng cũng từng vấp phải sự phản đối.
Giáo sư Mørch nói rằng phong cách nuôi dạy trẻ sống tự lập từng bị chỉ trích 10-15 năm trước. Cũng giống như kiểu "cha mẹ dọn đường" (làm sạch mọi chương ngại vật cho con) hay "cha mẹ trực thăng" (chăm sóc con cái quá kỹ) từng bị chỉ trích bởi không quan tâm đến trẻ nhỏ.
Nhưng chuyên gia cho rằng trẻ nhỏ được nuôi tự do sẽ học thêm nhiều kỹ năng thay vì những can thiệp không cần thiết.
"Chúng không cần phụ huynh sắp xếp những vấn đề bản thân có thể chủ động", giáo sư Mørch nói.
Minh Phương (Theo Guardian)