Dưới đây là những bài học nuôi dạy con lạ lùng từ khắp nơi trên thế giới:
Ở Na Uy, trẻ em ngủ ngắn ở ngoài trời ngay cả khi nhiệt độ dưới 0 độ C.
Ở Na Uy, trẻ em rất được nhà nước quan tâm. Khi một đứa trẻ lên một tuổi, bé bắt đầu vào vườn trẻ (tiếng Na Uy gọi là Barnehage) - một hình thức chăm sóc trẻ ban ngày được nhà nước trợ cấp.
Bố mẹ trả một vài trăm đô la mỗi tháng và con họ được chăm sóc từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Trẻ tuổi chập chững biết đi dành rất nhiều thời gian ngoài trời khi ở vườn trẻ, ngay cả khi nhiệt độ cực kỳ lạnh. Chẳng khó bắt gặp những em bé mặc ấm áp, nằm ngủ trong xe đẩy, ở ngoài trời trong những ngày đông giá lạnh tại vùng Bắc Âu này.
Bố mẹ Việt Nam dạy con đi vệ sinh từ lúc bé 9 tháng
Đây là một điều tốt. Ở Việt Nam, các bà mẹ và ông bố dạy con họ đi tiểu bằng âm thanh "xì xì" từ lúc con còn nhỏ xíu. Đây giống như cách tạo cho trẻ phản xạ có điều kiện. Các phụ huynh Trung Quốc cũng làm theo cách này. Các bố mẹ bắt đầu bằng cách chú ý khi con họ có vẻ buồn tiểu hoặc canh thời gian rồi tạo một âm thanh như tiếng gió. Dần dần, em bé bắt đầu quen với âm thanh này và cứ nghe thấy thì sẽ đi tiểu.
Bạn nghĩ điều này có vẻ lạ. Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng nhiều trẻ em Việt Nam không cần đóng bỉm từ lúc 9 tháng. Kết quả khá ấn tượng đấy chứ?
Theo truyền thống, người Kisii tại Kenya tránh nhìn vào mắt con họ
Các bà mẹ Kisii hay Gussii ở Kenya địu con đi khắp nơi nhưng họ không thể hiện sự vui thích trước những tiếng ê a của con. Hơn thế, khi những đứa con của họ bắt đầu bập bẹ, các bà mẹ sẽ quay đi nơi khác.
Điều này nghe có vẻ quá khắc nghiệt với cách thể hiện tình cảm với trẻ ở phương Tây nhưng trong hoàn cảnh văn hóa Kisii thì nó khá dễ hiểu. Tiếp xúc mắt là một hoạt động thể hiện sự kính trọng với những người nắm nhiều quyền lực. Nó giống như nói "ngài là người che chở" - đó không phải là thông điệp mà bố mẹ muốn truyền tới con cái họ. Các nhà nghiên cứu nói rằng, kết quả là, những đứa trẻ Kisii ít tìm kiếm sự chú ý từ phía cha mẹ chúng.
Bố mẹ Đan Mạch để con cái ở trên lề đường khi họ đi mua sắm
Ở Đan Mạch, tác giả Mei Ling Hopgood trong cuốn Người Eskios giữ ấm cho con bằng cách nào viết: trẻ thường được để ở ngoài trời - trong lúc bố mẹ vào trong ăn uống, sắm đồ - để nhận được không khí trong lành - một số bố mẹ nghĩ điều này cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển tim của trẻ - trong khi họ ăn uống hay mua sắm.
Ý kiến này có thể khiến nhiều bố mẹ ở các nơi khác trên thế giới rùng mình vì sợ. Ở New York, Mỹ, một cặp cha mẹ (trong đó có một người là người Đan Mạch) đã bị bắt vì để con ở ngoài nhà hàng BBQ trong lúc họ vào bên trong ăn uống.
"Tôi đã ở Đan Mạch và đó là điều chúng tôi vẫn hay làm", Mariom Adler, một người New York đi dạo với con trai hai tuổi, nói với tờ New York Times. "Chúng tôi sẽ quan sát các con trong lúc không ở bên bé. Thành thật mà nói là chúng tôi cũng đã bị sốc. Nhưng Đan Mạch thực sự là nơi đặc biệt văn minh", cô nói.
Ở đảo Polynesia, trẻ em chăm sóc trẻ em
Anh trai lớn chăm sóc một đứa em mới biết ngồi có thể rất lạ ở nơi nào đó nhưng lại quen thuộc tại đảo Polynesi. Tác giả Hopgood viết trong cuốn sách của cô rằng những người lớn nhận nhiệm vụ hàng đầu cho việc chăm sóc trẻ ở Polynesia nhưng ngay khi trẻ biết đi, họ sẽ chuyển việc chăm sóc này cho trẻ khác.
Những đứa trẻ tuổi mầm non học cách dỗ em và những bé tuổi chập chững thì trở nên tự lập vì chúng được dạy rằng đó là cách duy nhất để chúng chơi cùng với trẻ lớn hơn.
Jane và James Ritchie, cặp vợ chồng chuyên nghiên cứu về nhân loại học, quan sát hiện tượng này hàng thập kỷ tại New Zealand và đảo Polynesia. "Nhiều người trong xã hội phương Tây có thể sẽ cảm thấy khó chịu và khiếp sợ khi việc chăm sóc trẻ lại bị bỏ bê như vậy", hai nhà nhân chủng học viết trong cuốn Lớn lên ở Polynesia.
Bố mẹ Nhật Bản để con tự đi đường
Các phụ huynh ở Nhật Bản cho phép con họ tự lập khá sớm, sau một độ tuổi nhất định. Không khó bắt gặp một em bé 7 tuổi hay thậm chí trẻ 4 tuổi đi tàu điện ngầm một mình.
Christine Gross-Loh, tác giả cuốn sách "Nuôi dạy con không giới hạn" sống ở Nhật Bản một thời gian và khi cô ở đó, cô để cho các con tự chạy đi làm những việc vặt, đi tàu điện ngầm và lang thang quanh thành phố khi chúng có thể. Nhưng cô không dám làm điều này khi quay lại Mỹ.
"Nếu tôi để con tự đi ở Mỹ, tôi không chỉ bị người ta nhìn với ánh mắt lạ lùng mà một số người có thể gọi cho nhân viên bảo vệ trẻ em xử lý tôi", cô nói.
Trẻ em Tây Ban Nha thức rất khuya
Các gia đình Tây Ban Nha chú trọng vào việc phát triển khả năng giao tiếp giữa cá nhân hay cá nhân với xã hội ở một đứa trẻ, theo Sara Harkness, giáo sư tại Khoa nghiên cứu gia đình và phát triển con người tại Đại học Connecticut.
Theo Harkness, ý tưởng để một đứa trẻ đi ngủ từ lúc 6 rưỡi tối (như nhiều nước ở châu Âu) là hoàn toàn xa lạ với các bố mẹ Tây Ban Nha. Họ không đồng ý với quan niệm này. Những đứa trẻ của họ sẽ lên giường lúc 10 giờ đêm để chúng có thể tham gia vào các sinh hoạt gia đình trong buổi tối. Điều này cũng đúng ở Argentina.
Những ông bố Aka tốt nhất thế giới
Với người Aka ở Trung Phi, vai trò của phụ nữ và nam giới thực sự có thể thay thế cho nhau. Trong khi phụ nữ săn bắn, nam giới sẽ chăm sóc trẻ và ngược lại.
Theo giáo sư Barry Hewlett, một nhà nhân chủng học Mỹ, mức độ linh hoạt này thực sự chưa được biết nhiều trong xã hội chúng ta. Các ông bố Aka sẽ dễ dàng thực hiện những việc thường do các bà mẹ đảm nhận mà không cần đắn đo và không coi đó là điều gì đáng xấu hổ.
Người Pháp cho rằng đói là loại gia vị tốt nhất, giúp trẻ sẽ ăn nhiều hơn vào bữa chính thay vì làm đầy bụng bằng các loại đồ ăn vặt. Họ sắp xếp giờ ăn hợp lý, không cho con ăn quà vặt để trẻ thích thú với các món ăn trong bữa chính hơn.
Ngoài ra, các bà mẹ Pháp luôn để con ăn cùng gia đình, làm trẻ thấy hào hứng với bàn ăn được trang trí đẹp và trang trọng. Trẻ sẽ không bắt buộc phải ăn thứ gì mình không thích nhưng luôn được khuyến khích nếm thử mọi thực phẩm. Các bé người Pháp cũng cùng ăn các thức ăn như người lớn. Để tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho con, các bà mẹ Pháp chủ trương không dùng thức ăn như một phần thưởng hay đồ dụ dỗ trẻ vì có thể khiến trẻ ăn uống theo cảm xúc.
Vương Linh (theo Globalpost)