Dưới đây là bài chia sẻ của thầy Quang Nguyen:
Nghe thì thật buồn cười, vì cảm ơn thì đơn giản là "Thank you", có gì mà "shock"? Nhưng mình đã bị "shock" thật.
Ở Việt Nam, chúng ta có cách nói cảm ơn rất riêng:
- "Cậu học giỏi quá" - "Ui dồi, thường thôi mà".
- "Cái váy đẹp quá" - "Đẹp gì đâu, váy cũ ấy mà".
Tâm lý này có lẽ bắt nguồn từ văn hóa không muốn khác biệt của người Việt, hoặc thể hiện văn hóa "một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu". Chúng ta luôn tránh nổi bật bằng cách tự dìm mình xuống. Ví dụ, khi ai đó hỏi bạn: "Cậu chơi bi-a giỏi không"? Bạn sẽ trả lời: "Cũng tạm được", mặc dù bạn có thể rất giỏi.
Giữ nét văn hóa đó, khi sang Mỹ, khi được người khác khen, phản ứng văn hóa của mình tự động "bật lên".
- "Quang, you look good today" - "No, I don’t". (Quang, hôm nay trông bạn thật tuyệt - Không, tôi có tuyệt gì đâu).
- "Quang, you are such a good cook" - "Oh, actually, I am not good at all". (Quang, bạn nấu ăn giỏi đó - Oh, thực ra, tôi không giỏi chút nào).
Lúc mới đầu, mình không để ý lắm đến phản ứng của người nghe. Nhưng sống một thời gian dài, dần thấy sự phật lòng của họ khi nghe mình nói vậy. Sau này, một người bạn chia sẻ với mình: "Quang, when someone congratulate or praise you for something, you’d better just say Thank you. It’s the polite way". (Khi ai đó chúc mừng hoặc khen bạn về điều gì, tốt hơn là bạn nên nói Cảm ơn. Đó là cách lịch sự).
Mình nhận thấy khi người khác khen mà mình giả vờ khiêm tốn, họ sẽ nghĩ rằng mình không đồng tình với họ. Điều này lâu dài sẽ tạo ra xung đột và khoảng cách trong giao tiếp. Cách nói đơn giản, "Thank you" thể hiện sự đồng tình, và lòng biết ơn của mình với lời khen, hoặc lời nói xã giao của người khác với mình.
Vậy nên, khi giao tiếp bằng tiếng Anh, ai khen thì mình nói:
- Thank you.
- It’s so nice/kind of you (to say that).
- Thanks a million...
Trong văn hóa Mỹ, người ta không giả vờ khiêm tốn.
Quang Nguyen