Trước khi nhỏ mũi, bạn cần xì mũi hay hút sạch chất mủ, dịch nhầy ứ động trong mũi. Điều này giúp thuốc tác động đến được niêm mạc mũi - xoang. Dưới đây là các bước dùng thuốc nhỏ mũi dành cho người bệnh viêm xoang:
- Xì mũi: nhiều người không biết thường bịt chặt cả hai lỗ mũi rồi xì mạnh. Đó là cách làm sai, khiến các chất ứ đọng ở hốc mũi bị đẩy ngược vào xoang hay lỗ thông với hòm. Xì mũi đúng là bạn cần bịt từng bên mũi, xì hơi mạnh bên đối diện để chất ứ đọng chảy ra hết. Nếu bị tắc, ngạt mũi nhiều, hay bị chảy máu cam, bạn cần nhỏ thuốc co mạch để thông một phần trước, tránh gây tổn thương, chảy máu mũi khi xì hoặc hút mũi.
- Hút mũi: với trẻ nhỏ hoặc người bị viêm xoang sau, mủ đặc dính khó xì nên rất cần được hút mũi. Cha mẹ không nên thực hiện hút mũi với trẻ nhỏ bằng miệng, cách đó mất vệ sinh và chỉ lấy được chất ở ngay cửa sau lỗ mũi.
Bạn nên mua dụng cụ hút mũi (có bán sẵn) với đầu ống bằng nhựa lắp vừa lỗ mũi trẻ, nối bởi bóng cao su. Khi thực hiện, bạn lấy ngón tay bịt lỗ mũi bên đối diện, bóp bóng cho khí ra hết, lắp đầu hút khí chặt lỗ mũi rồi bỏ bóng ra để hút dịch mũi xoang vào, nên làm mỗi bên vài lần để sạch hết chất bẩn. Nếu hút bằng máy, bạn phải dùng loại máy hút có điều chỉnh được áp lực để không hút quá mạnh, quá lâu gây hại cho niêm mạc mũi.
- Nhỏ mũi: tốt nhất nên nằm ngửa, hoặc ngồi ngửa đến tối đa để thuốc vào được trong hốc mũi, hướng đầu ống nhỏ ra phía ngoài cánh mũi, lên trên, sâu độ một cm (với người lớn). Sau đó bạn nhỏ từng giọt, không nên quá 5 giọt. Sau khi nhỏ, bạn lấy tay day nhẹ trên cánh mũi để thuốc vào được sâu hơn.
Bệnh nhân viêm xoang sau nên nằm xuống khi nhỏ thuốc, đầu rời khỏi thành giường, ngửa tối đa để hướng hẳn lỗ mũi lên trên. Khi nhỏ thuốc vào thấy cay ở trán, gáy là thuốc vào được xoang. Sau khi nhỏ mũi, bạn không nên đứng lên, đi lại, hoạt động ngay, cần ngồi hoặc nằm im vài phút để thuốc vào được cả xoang.
Chọn thuốc nhỏ mũi cũng là vấn đề quan trọng với bệnh nhân viêm xoang. Hiện nay, tuy thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mũi nhưng cơ bản thuốc nhỏ mũi đều nhằm co mạch, tạo sự thông thoáng, thở thông và dẫn lưu tốt. Các thuốc co mạch thường dùng có hai dạng:
Naptazolin: 0,1% dùng cho ngườ lớn, trẻ lớn, 0,05% dùng cho trẻ nhỏ (không được dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi).
Ephedrin: 3% dùng cho người lớn, trẻ lớn; 1 % dùng cho trẻ nhỏ.
- Chống viêm, sát khuẩn: người bệnh viêm mũi mủ, viêm xoang cấp hay mãn tính thường dùng thuốc co mạch có thêm kháng sinh hay corticoid. Với trẻ nhỏ, thuốc có thêm acgyron 1% - 2%. Bệnh nhân cần lưu ý là không được tự nhỏ bằng kháng sinh, corticoid đậm đặc hoặc có hàm lượng cao. Điều đó sẽ gây hại cho niêm mạc mũi - xoang. Với các thuốc Đông dược, người bệnh cần thận trọng, đảm bảo khống có nấm, vi khuẩn, dị nguyên gây phản ứng hoặc gây hại đến thần kinh, mạch ở mũi - xoang.
Ngọc Bích