Cô Dương Thu Nguyệt hiện dạy hai lớp 12 và bốn lớp 10 với gần 300 học sinh. Với lớp chủ nhiệm, việc nhớ học trò dễ dàng vì gắn bó hàng ngày. Tuy nhiên, với các lớp chỉ dạy bộ môn, việc nhớ mặt, thuộc tên và nhận xét chính xác theo Thông tư 26/2020 khó hơn nhiều.
Môn Hóa thường có 2-3 tiết mỗi tuần. Mỗi lần vào lớp, cô Nguyệt nhớ học sinh bằng cách xuống dưới lớp tương tác, kiểm tra bài vở. Khi gọi phát biểu, cô thường nhìn tên trên phù hiệu học trò. Việc thuộc tên giúp cô đồng hành sát sao với trò, nắm được tình hình học tập hoặc các vấn đề các em gặp phải. "Thế nhưng, việc nhớ toàn bộ học sinh các lớp không chủ nhiệm là gần như không thể. Mỗi lớp, tôi nhớ được khoảng 60%", cô thổ lộ.
Những buổi học thư thả thời gian, cô cho học trò diễn kịch, làm thơ để học Hóa. Thay vì phải học thuộc những tính chất khô khan, cuộc thi chuyển nội dung bài học thành thơ lục bát, thậm chí phổ nhạc để học trò nhớ bài nhanh hơn. Hoạt động này giúp tiết học sôi nổi và cô Nguyệt cũng nhớ tên, điểm trội của học trò.
Trong tiết học, cô thường lồng ghép việc nhận xét, đánh giá bài làm ngay khi học sinh phát biểu. Việc này giúp trò nhận ra và nhớ lỗi của mình lâu hơn, cũng là căn cứ để giáo viên nhận xét cuối kỳ. "Những lỗi phổ biến, cảm thấy có thể nói trước lớp, tôi sẽ nói cho các em khác cùng rút kinh nghiệm, ngược lại những gì nhạy cảm, tế nhị sẽ nói riêng với học sinh" , cô Nguyệt nói.
Trong khi đó, cô Lê Thị Trúc Nhiều, giáo viên Sử, trường THPT Chu Văn An, huyện Phú Tân, An Giang, chủ yếu nhớ mặt, tên học trò thông qua các hoạt động làm việc nhóm. Khi chia lớp thành các nhóm và lên thuyết trình, giáo viên sẽ nắm được điểm nổi trội, mạnh yếu của từng em. Cách này cũng giúp cô tương tác với học trò để trò thuộc bài hơn.
"Tôi luôn lồng ghép tối đa nội dung, câu hỏi để học trò có thể tranh luận, trình bày quan điểm cá nhân, sau đó kết hợp nhận xét và nhớ tên, mặt các em. Việc có nhớ được học trò phụ thuộc vào giáo viên nỗ lực như nào", cô Nhiều kể.
Thông tư 26/2020, có hiệu lực từ tháng 10/2020 yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh THCS, THPT bằng cách kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Việc này khiến thầy cô vất vả hơn cách chỉ cho điểm như trước, nhưng nhiều người ủng hộ bởi sẽ đánh giá toàn diện năng lực và khích lệ học trò tiến bộ.
Không đặt nặng việc nhớ mặt học sinh, thầy Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM, thường chia các em theo từng nhóm, dựa vào năng lực học tập. Từ sổ điểm cá nhân, thầy Phương "bắt mạch" được sự phấn đấu cải thiện điểm số hoặc sa sút của học trò, từ đó có cách nhắc nhở, chỉnh đốn cũng như nhận xét học tập.
Với gần 300 học sinh mình phụ trách, nhớ hết từng em là không thể, nhưng những em giỏi nhất hoặc học dở nhất, đều gây ấn tượng với thầy. Đây cũng chính là những học sinh cần có những nhận xét đặc biệt, mang tính cá nhân để các em được động viên hoặc được nhắc nhở, đốc thúc học hành.
Cũng theo thầy Phương, nhận xét học sinh nên thẳng thắn, khách quan, có khen, có chê nhưng đều phải tế nhị, mang tính xây dựng. Bởi đây là căn cứ để giáo viên chủ nhiệm có cái nhìn tổng quan về các em, phê trong học bạ.
"Một người thầy dạy Toán dễ cảm tính khi đánh giá học sinh lực học trung bình hoặc yếu nếu chỉ nhìn vào điểm các môn Khoa học tự nhiên mà quên đi Văn, Sử, Địa, hoặc ngược lại. Nếu có những nhận xét khách quan ở từng môn, một học sinh có thể được đánh giá toàn diện hơn, chẳng hạn học trung bình Khoa học tự nhiên nhưng rất có khiếu Văn, Sử", thầy nêu ví dụ.
Một giáo viên THPT khác tại TP HCM cùng quan điểm với thầy Phương là luôn phải quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu kém. Việc nhận xét không nhất thiết phải ghi vào sổ điểm mà giáo viên chỉ cần sử dụng lời nói động viên, khích lệ, khuyên nhủ... Cùng với đó, thầy cô bộ môn nên dành thêm thời gian quan tâm các em bằng cách nhắc nhở, chia sẻ những khó khăn sao cho thiết thực nhất.
Nhận xét học sinh yếu kém cũng không dễ, lời lẽ cần tế nhị để các em nhận ra hạn chế nhưng cũng không mất động lực học tập. Để tránh mỗi trường nhận xét một kiểu, kể cả giáo viên mạnh ai nấy làm, thầy giáo này đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán, trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, cho rằng nhiều đồng nghiệp khác còn lúng túng đánh giá theo cách mới bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ nhà trường. Với Thông tư 26, công việc đánh giá của thầy cô không vất vả hơn bởi số cột kiểm tra đã được giảm, môn nhiều tiết tối đa chỉ 6 cột mỗi kỳ. Những môn thầy cô phải phụ trách nhiều học sinh, con số lên 1.000 như Công nghệ, việc nhận xét cũng nhẹ hơn các môn khác vì ít em yếu kém.
"Nếu nhẩm tính thời gian chấm bài kiểm tra, vào điểm và thời gian nhận xét thì thấy cách làm mới không mất nhiều thời gian hơn. Việc nhận xét học sinh cũng không phải quá mới, ai làm chủ nhiệm đều phải làm cuối năm vào học bạ", thầy Chính nói. Thầy giáo đề xuất ngành giáo dục có hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đi kèm với đó là các phương tiện đánh giá học sinh (phần mềm, ứng dụng...) để tăng tính hiệu quả của cách làm mới này.