Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 27/6/2020, 08:30 (GMT+7)

Cách nhiệt Phương Nam hỗ trợ sinh viên tiếp cận công nghệ

Công ty Cách âm Cách nhiệt Phương Nam tạo điều kiện cho sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng trải nghiệm thực tế quy trình hoạt động và công nghệ sản xuất panel hiện đại.

40 sinh viên cùng giáo viên khoa Kỹ thuật Công trình Đại học Tôn Đức Thắng đã tham gia buổi tham quan nhà máy của Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam (Củ Chi, TP HCM) vào sáng 24/6. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch hợp tác đã được ký kết giữa hai bên.

Đại diện doanh nghiệp cho biết chương trình mang đến cơ hội trải nghiệm thực tế sản phẩm panel đến sinh viên xây dựng, kiến trúc, giúp các em cập nhật những công nghệ mới, vật liệu thân thiện môi trường, nghiên cứu sản phẩm, bổ sung kiến thức trong quá trình học tập.

"Thay vì đọc những tài liệu, tư liệu đến từ nước ngoài, giờ đây các bạn đã có thể nhìn thấy, sờ tận tay và biết được quá trình sản xuất vật liệu xanh, từ đó sẽ có bước tiếp cận, nghiên cứu ra những vật liệu công nghệ cao trong tương lai", đại diện Phương Nam nói. 

Sinh viên được tìm hiểu kỹ về quy chuẩn an toàn lao động, cách thức vận hành của nhà máy, tham quan và nắm bắt công nghệ hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín nhập khẩu từ Đức và Đài Loan với tiêu chuẩn tự động hóa, khu thành phẩm... Tại đây, các sinh viên tiếp cận kiến thức về vật liệu cũng như cấu trúc định hình từ khâu đầu vào tới khi tạo ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.

Điểm nổi bật của dòng panel cách nhiệt, chống cháy là hai mặt inox hoặc là tôn được phủ kín bên trong bằng lớp foam polyisocyanate (PIR) độ dày từ 50-200mm. Việc ứng dụng panel vào thực tế không chỉ tạo ra môi trường làm việc mát mẻ, tăng năng suất của công nhân, mà còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm điện năng cho hệ thống quạt điều hòa làm mát. Các sản phẩm độ dày cao đáp ứng được các kho lạnh lớn với nhiệt độ âm sâu đến -50 độ C.

Giải đáp thắc mắc của sinh viên về độ bền vật liệu khi ứng dụng trong các công trình, chuyên viên của Phương Nam cho biết độ cứng chắc của tấm panel quyết định bởi công nghệ phun điện tử tự động, nén lớp foam ở áp suất cao. Do đó lớp foam PIR được phủ đồng đều ở tất cả các vị trí trong tấm, không tạo ra bóng hơi. Các dòng panel phân khúc cao cấp có thể chịu tác động cao, cứng vững cho xây dựng cao tầng hoặc quy mô lớn. Sản phẩm có khả năng chịu nhiệt độ cao, khả năng chống cháy đạt cấp độ B2 đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho các công xưởng.

Từ năm 2015, công nghệ cao này đã được ông Giáp Văn Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam mang về Việt Nam sau thời gian nghiên cứu, thương thảo cùng các đối tác ở nước ngoài. Nhà máy rộng hơn 25.000 m2 của công ty tại Củ Chi được lắp dựng hoàn toàn bằng panel và hoàn thiện sau 3 tháng khởi công.

Ông Phạm Trung Hiếu - Giám đốc nhà máy số 2 Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam (áo trắng) quan tâm đến việc đưa ứng dụng vật liệu công nghệ cao trong công trình xanh đến với các bạn sinh viên. Công ty sẵn sàng tạo điều kiện để sinh viên nhiều trường đại học có thể tiếp cận kiến thức và công nghệ mới.

"Đây là cơ hội tốt để chúng tôi chia sẻ với giới trẻ về công nghệ sản xuất panel tiên tiến, thân thiện với môi trường đang thịnh hành trên thế giới", ông Hiếu chia sẻ.

Bên cạnh lý thuyết, chương trình cón có những ví dụ thực tế sinh động giúp sinh viên tiếp cận và hiểu rõ hơn về những công nghệ sản xuất mới như thử thách bắn ốc vít vào các tấm panel để hiểu rõ về khả năng chịu lực, công năng và độ thẩm mỹ của sản phẩm. 

Sinh viên tham gia phải đội mũ và găng tay bảo hộ, nhân viên Phương Nam trực tiếp hướng dẫn và làm mẫu. Ngọc Diễm - sinh viên năm hai ngành kiến trúc hứng thú khi cầm tấm panel lên rất nhẹ nhưng lúc khoan vào cảm nhận cứng và chắc chắn.

"Đây là công nghệ mới có thể mang đến nhiều giải pháp cho kiến trúc và tạo hình", Diễm nói.

Với Trần Minh Trí và Trần Nguyễn Thế Anh, chuyến tham quan giúp hai sinh viên này hiểu rõ quy trình sản xuất của công nghệ panel tiên tiến một cách trực quan, kiểm chứng những kiến thức đã học về những loại vật liệu mới tại Việt Nam trong đó có panel.

Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Điệp (thứ hai từ trái sang) nhìn nhận những chương trình thực tế rất cần thiết để sinh viên hiểu rõ công nghệ mới. Thời gian đến nhà trường sẽ tăng cường kết hợp cùng công ty Phương Nam để nhiều bạn trẻ có tiếp cận xu hướng công nghệ hiện đại hơn nữa. 

Đại học Tôn Đức Thắng sẽ mời các kỹ sư từ Phương Nam đến tư vấn, chia sẻ trực tiếp đến sinh viên. Đồng thời công ty sẽ gửi những mẫu vật liệu panel đến trường để sinh viên có thể tự thử nghiệm, kiểm tra kết cấu và ứng dụng vào các nghiên cứu của mình. 

Trang Anh