Theo khoản a Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thì tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được chủ động trích (ghi Nợ) tài khoản thanh toán của khách hàng trong trường hợp sau:
- Để thu các khoản nợ đến hạn, quá hạn, tiền lãi và các chi phí phát sinh trong quá trình quản lý tài khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán theo thỏa thuận trước bằng văn bản với khách hàng phù hợp quy định của pháp luật;
- Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cưỡng chế thi hành quyết định về xử phạt vi phạm hành chính, quyết định thi hành án, quyết định thu thuế hoặc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán khác theo quy định của pháp luật;
- Để điều chỉnh các khoản mục bị hạch toán sai, hạch toán không đúng bản chất hoặc không phù hợp với nội dung sử dụng của tài khoản thanh toán theo quy định của pháp luật và thông báo cho chủ tài khoản biết;
- Khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng hoặc theo yêu cầu hủy lệnh chuyển Có của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền phát hiện thấy có sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền;
- Để chi trả các khoản thanh toán thường xuyên, định kỳ theo thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Đối chiếu quy định của Thông tư 23 vừa trích dẫn ở trên với trường hợp của bạn, nếu chồng bạn không đồng ý việc trích tiền từ tài khoản để thực hiện việc cấp dưỡng thì ngân hàng chỉ được chủ động trích tài khoản của chồng bạn khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cưỡng chế thi hành quyết định về xử phạt vi phạm hành chính, quyết định thi hành án.
Do đó, trong trường hợp chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án thì bạn có thể tự mình hoặc nhờ sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ… yêu cầu Tòa án buộc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Sau khi tòa án có quyết định buộc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà chồng bạn vẫn không thực hiện, bạn có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự tiến hành cưỡng chế, ra văn bản yêu cầu ngân hàng chủ động trích tài khoản của chồng bạn theo quy định của pháp luật.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội