Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông sáng 4/11, đại biểu Lê Thị Song An đặt vấn đề, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều giải pháp để phòng chống tin giả, tin xấu độc trên mạng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm, tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân. Bộ trưởng có giải pháp gì?
Đánh giá tin giả trên mạng nếu xử lý chậm sẽ lan truyền rất nhanh và rộng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vừa qua các cơ quan đã nâng tầm xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định. Nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm các bên liên quan, thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin giả, xấu độc từ 48 giờ rút xuống còn 24 giờ, có thông tin đặc biệt chỉ trong 3 giờ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay việc phạt đưa thông tin giả tại Việt Nam đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN chỉ bằng 1/10. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức phạt lên đủ sức răn đe, ít nhất ngang với mức trung bình trong khu vực.
Cũng quan tâm tới tin giả, tin xấu độc, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nêu giải pháp ngăn chặn tác hại của loại thông tin này trên không gian mạng, tránh vô tình PR cho người muốn nổi tiếng.
Bộ trưởng Hùng thừa nhận việc ngăn chặn thông tin xấu độc ở Việt Nam gặp khó khăn do lực lượng mỏng, trong khi đó một người Việt Nam thường có 4 tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an thì không đủ lực lượng để xử lý các vi phạm.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cơ quan nào quản lý lĩnh vực gì ở thế giới thực thì cần quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng, tức là cả xã hội phải vào cuộc. Các bộ ngành, địa phương cùng chủ động tham gia quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng, gia đình quản lý con cái mình.
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói rất hoan nghênh quan điểm thông tin xấu độc ngoài đời thế nào thì trên mạng như vậy. Tuy nhiên, ngoài đời quản lý theo lãnh thổ còn trên mạng là nền tảng đa quốc gia. Vì vậy, nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn, xử lý tài khoản vi phạm "thì chẳng khác gì khi phòng chống Covid-19 chúng ta chỉ cách ly, phong tỏa, đeo khẩu trang".
"Giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng thông qua vaccine. Cần làm sao để người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu độc. Chúng ta cần nhiều thứ để công chúng nghe, xem, đọc thông tin hay, có tính phản biện mang tính thuyết phục cao", ông Nghĩa nói.
Đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng các tờ báo cần được khuyến khích đi thẳng vào vấn đề nóng với thái độ, trách nhiệm không né tránh, "chứ không phải khen một chiều mới là hay". Bởi thực tế thuốc bổ uống nhiều cũng sẽ gây ngộ độc.
"Bộ trưởng nói sau 3 tiếng có thể gỡ bỏ thông tin độc hại, nhưng chỉ cần sau 5-10 phút thì thông tin độc hại lan rất rộng rồi. Nên quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu độc hại đã ngấm vào mới uống giải độc thì mãi mãi chúng ta sẽ chạy theo, rất vất vả", ông Nghĩa nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình với đại biểu Nghĩa không chỉ tin xấu độc mà tất cả mọi thứ đều cần "sức đề kháng". Trên không gian mạng, tin xấu độc giống không khí, tin xấu độc nhiều thì không khí bị vấy bẩn. Không khí đầu độc phổi, thông tin đầu độc não. Ai quản lý cái gì trong đời thực thì quản lý cái đó trên không gian mạng, như lĩnh vực Công Thương quản lý hàng hóa... như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh.
Nói thêm về giải pháp, Bộ đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm nội dung kỹ năng sống vào đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3, để "tăng đề kháng" cho các em; phát triển nền tảng nâng cao kỹ năng trên môi trường số... "Không gian mạng là của chúng ta, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm nó trong sạch và cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan", ông nói, cho biết Bộ sẽ chủ động rà soát, gỡ quét thông tin xấu độc.
Ngoài nội dung trên, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã trả lời chất vấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; quản lý thuê bao, đầu số của các nhà mạng; kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến khác.
Viết Tuân - Sơn Hà