Điều 28 của Hiến pháp năm 2013 quy định:
1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân là hoạt động cụ thể để triển khai thi hành Điều 28 Hiến pháp, theo đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế, đồng thời bảo đảm quyền của công dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Công dân tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật này và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phản biện xã hội được thực hiện trong thời gian cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản. Đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội.
3. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.
4. Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản.
Theo quy định trên, việc tham gia đóng góp ý kiến của người dân với các dự thảo văn bản pháp luật được quy định như sau:
- Về lĩnh vực góp ý: Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến vào tất cả văn bản quy phạm pháp luật được Ban soạn thảo lấy ý kiến và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ hoặc các Bộ, ngành có liên quan;
- Về việc nhận phản hồi về ý kiến đóng góp: do số lượng người dân và các tổ chức, cơ quan đóng góp ý kiến dự thảo rất đông nên có thể Ban soạn thảo sẽ không thể phản hồi ý kiến của tất cả mọi người. Vì vậy, người dân có thể theo dõi ý kiến đóng góp của mình trong văn bản cuối cùng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử trước khi được thông qua.
Ý kiến đóng góp của người dân sẽ được Ban soạn thảo dự thảo tiếp nhận, tổng hợp và nghiên cứu, những ý kiến phù hợp sẽ được giải trình, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo.
Ban soạn thảo sẽ tổ chức lấy ý kiến của người dân và các bộ, ngành có liên quan, sau đó tiến hành nghiên cứu, những ý kiến đóng góp tốt, có tính chất xây dựng và phù hợp sẽ được Ban dự thảo nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình soạn thảo.
- Về hình thức đóng góp ý kiến: Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến dự thảo thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản (đánh máy hoặc viết tay); tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử như duthaoonline.quochoi.vn, thanhtra.gov.vn.....
Trong trường hợp người dân không có điều kiện góp ý trực tiếp qua các trang điện tử thì có thể viết thư tay và gửi đến địa chỉ của Cơ quan dự thảo văn bản để đóng góp ý kiến của mình về văn bản dự thảo.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội