Luật sư Bùi Phan Anh, Công ty Luật TNHH Sen Vàng cho biết điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, tài sản riêng của mỗi người bao gồm những gì được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân như quyền sử dụng nhà, đất.
Nếu bà Loan không làm thủ tục thể hiện cho riêng con gái, căn hộ là sở hữu chung của cả con rể do đây là "quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn" theo điều 33. Trường hợp xấu phải ly hôn, căn hộ được chia đôi.
Để vừa cho gia đình con gái được ở mà không sợ con rể hưởng lợi nếu "tan đàn xẻ nghé", bà có 2 phương án là lập Hợp đồng tặng cho tại Văn phòng công chứng hoặc lập Di chúc để lại căn nhà cho con gái.
Phương án thứ nhất, bà Loan có thể sang tên căn hộ cho con gái mà không cần sự đồng ý, có mặt của con rể. Lưu ý, bà cần yêu cầu công chứng viên viết "lời chứng" có nội dung cho riêng, tài sản này chỉ thuộc về con gái bà.
Phương án này ưu điểm ở chỗ gia đình con gái có nhà ngay và được lập sổ hộ khẩu riêng; giúp tiếp cận các dịch vụ công như học hành, y tế tốt hơn. Nếu không ở, con gái bà có thể cho thuê, thế chấp... Ngược lại, nó dễ gây sứt mẻ tình cảm giữa con rể và nhà vợ.
Phương án thứ hai, lập di chúc thừa kế riêng cũng giúp căn hộ thành tài sản chỉ thuộc về con gái bà Loan theo Luật Hôn nhân và gia đình. Di chúc có thể được giữ bí mật, đến khi bà Loan mất mới công bố.
Gia đình con gái bà Loan có thể đến sinh sống tại căn hộ này, dù di chúc chưa được thực hiện.
Nhược điểm của phương án này ở chỗ gia đình con gái không sở hữu nhà lập tức vì di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, khi bà Loan mất. Việc lập và thực hiện di chúc còn có thể gây tranh chấp giữa con gái bà Loan và các anh chị em khác nếu họ không đồng ý.
Luật sư Phan Anh cho rằng bà Loan nên chọn phương án lập di chúc, cho con gái thừa kế riêng căn hộ. Để tránh các tranh chấp liên quan, bà cần lập di chúc ở văn phòng công chứng hoặc có chứng thực tại UBND cấp xã.
Song Minh